Ngành thuỷ sản Bình Thuận phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn
Ảnh minh họa. |
Qua 2 năm (2016 - 2017), triển khai nhiều biện pháp thực hiện Chương trình Mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững, ngành thủy sản Bình Thuận có bước phát triển nhanh, ổn định, vươn lên thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Với bờ biển dài 192 km, vùng lãnh hải rộng hơn 52 nghìn km2, có huyện đảo Phú Quý cách đất liền 56 hải lý, Bình Thuận có ngư trường thuận lợi, giàu nguồn lợi thủy sản. Do đó, việc khai thác, đánh bắt hải sản luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế của cả tỉnh.
Theo đà phát triển, khai thác hải sản xa bờ của tỉnh Bình Thuận tiếp tục được đẩy mạnh và có chuyển biến tích cực, theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành thủy sản; đội tàu công suất lớn (từ 90 CV trở lên) của tỉnh tiếp tục gia tăng về số lượng, công suất, trở thành đội tàu chủ lực của tỉnh trên vùng biển khơi, có đóng góp quan trọng về sản lượng và giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho hàng chục ngàn lao động biển.
Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 3.046 tàu cá công suất từ 90 CV trở lên, tăng 151 chiếc so cuối năm 2016; góp phần đưa sản lượng khai thác hải sản năm 2017 đạt 211.970 tấn, tăng 4,1% so năm 2016; tỷ trọng nhóm tàu công suất lớn từ 36,1% năm 2015 tăng lên 40,7% năm 2016 và lên 43,1% năm 2017 trong đội tàu khai thác toàn tỉnh. Công tác tổ chức sản xuất trong khai thác thủy sản theo hình thức tổ đội sản xuất tiếp tục được quan tâm; tính đến năm 2017, đã kiện toàn và duy trì hoạt động 250 tổ đoàn kết/ 2.297 thuyền/15.280 lao động, xây dựng 05 nghiệp đoàn khai thác hải sản/68 thuyền/663 thành viên; các hình thức hợp tác đã có tác động tích cực hỗ trợ nhau trong sản xuất, thông tin ngư trường, cứu hộ, cứu nạn trên biển, góp phần đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Căn cứ quy hoạch được phê duyệt, những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã tập trung các nguồn lực cùng với sự hỗ trợ của Trung ương tập trung đầu tư xây dựng các cảng cá, khu tránh trú bão quan trọng phục vụ cho tàu cá của ngư dân ra vào, neo đậu, tiêu thụ sản phẩm, tiếp nhận nhiên liệu và tránh trú bão. Đến nay, toàn tỉnh có 04 Khu tránh bão (kết hợp cảng cá) đã cơ bản hoàn thành, gồm: Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa La Gi; Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Phú Hải: Là khu tránh bão cấp vùng kết hợp cảng cá Phú Hải; Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Phan Rí; Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Liên Hương.
Nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chuyển dần theo hướng công nghiệp, đối tượng nuôi ngày càng đa dạng, phong phú. Diện tích nuôi tôm thương phẩm toàn tỉnh khoảng 900 ha, năng suất tôm nuôi bình quân đạt 9 - 10 tấn/ha.
Nghề sản xuất tôm giống phát triển theo hướng tập trung đầu tư quy mô lớn, số lượng cơ sở sản xuất nhỏ giảm nhanh.
Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 135 doanh nghiệp, cơ sở với 730 trại sản xuất tôm giống (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), sản lượng tôm giống sản xuất và tiêu thụ năm 2017 đạt 24 tỷ post, tăng 13% so năm 2015.
Qua 2 năm triển khai Chương trình Mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững, khai thác hải sản xa bờ của tỉnh Bình Thuận tiếp tục được đẩy mạnh và có chuyển biến tích cực, theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành thủy sản.
Đội tàu công suất lớn (từ 90 CV trở lên) của tỉnh gia tăng về số lượng, công suất, trở thành đội tàu chủ lực của tỉnh trên biển, đóng góp quan trọng về sản lượng và giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động biển.
Việc tổ chức sản xuất trong khai thác thủy sản theo hình thức tổ đội sản xuất tiếp tục được khuyến khích phát triển.
Đến cuối năm 2017, tỉnh đã kiện toàn và duy trì hoạt động 250 tổ đoàn kết với 15.280 lao động, xây dựng 5 nghiệp đoàn khai thác hải sản.
Giai đoạn đến năm 2020, Bình Thuận đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu toàn diện, đồng bộ khai thác hải sản, sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản gắn với tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Duy trì sản lượng khai thác toàn tỉnh ổn định khoảng 200 nghìn tấn/năm đến năm 2020; song chú trọng nâng dần chất lượng sản phẩm, giá trị, phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị khai thác trên 5%/năm.
Trong đó, giảm sản lượng khai thác vùng ven bờ từ 46% hiện nay (90 nghìn tấn) xuống còn 40% vào năm 2020 (80 nghìn tấn); tăng tỷ trọng hải sản khai thác xa bờ từ 54% hiện nay (105 nghìn tấn) lên thành 60% (120 nghìn tấn); nâng tỷ trọng sản phẩm có giá trị kinh tế cao (mực, cá ngừ, cá thu...) chiếm trên 60% trong tổng sản lượng khai thác hải sản.
Để đạt mục tiêu đề ra, Bình Thuận tiến hành hiện đại hóa đội tàu khai thác theo hướng đồng bộ; trong đó, 100% tàu cá xa bờ trang bị đầy đủ thiết bị điện tử hàng hải, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá theo quy định; 100% tàu cá xa bờ và tàu dịch vụ thu mua có trang bị hầm bảo quản sản phẩm đạt chuẩn nhằm giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản xuống dưới 10% vào năm 2020.
Trong nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh tái cơ cấu nuôi trồng thủy sản hướng mạnh phát triển theo chiều sâu, tăng thâm canh, năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững.
Triển khai đầu tư ứng dụng công nghệ cao có trọng điểm một số loài nuôi có giá trị kinh tế cao, lợi thế nổi trội với quy mô phù hợp. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng giá trị nuôi trồng chiếm trên 30% tổng giá trị sản xuất toàn ngành thủy sản.
Bình Thuận triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đạt mục tiêu đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm lớn về khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất giống hải sản của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ.