Ngân sách 2012: Lo ngại bội chi
Ngân sách 2012: Lo ngại bội chi
Các đại biểu trao đổi tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII
Xét tổng chi cân đối NSNN 2012, đa số các ý kiến cử tri thống nhất với các khoản mục chi lớn. Đối với chi đầu tư phát triển, Chính phủ dự kiến bố trí 180.000 tỷ đồng, tăng 18,4% so với dự toán năm 2011, chiếm 19,9% tổng chi NSNN.
Tính đến ngày 22. 9. 2011, tổng số vốn NSNN năm 2011 đã phân bổ là hơn 123.029 tỷ đồng cho 20.529 dự án, trong đó bố trí 22.176,6 tỷ đồng cho 5.474 dự án khởi công mới (trung bình 4,05 tỷ đồng/dự án) và 100.825,5 tỷ đồng cho 15.055 dự án chuyển tiếp (trung bình 6,7 tỷ đồng/dự án). So với giai đoạn trước, tỷ trọng chi đầu tư phát triển của NSNN so với GDP và so với tổng đầu tư toàn xã hội có xu hướng giảm mạnh.
Vì vậy, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư cho tái cơ cấu nền kinh tế, cần tập trung đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng tham gia thực hiện xã hội hóa đầu tư theo các hình thức BOT, PPP... nhằm bù đắp phần giảm đầu tư theo tỷ trọng của NSNN. Đồng thời tập trung bố trí vốn cho các dự án về giao thông trọng điểm quốc gia, thủy lợi quan trọng, cấp bách, mang tính đột phá.
Về chi cải cách tiền lương, Chính phủ dự toán là 59.300 tỷ đồng. UB Tài chính - Ngân sách nhất trí với Chính phủ về phương án tăng lương tối thiểu lên mức 1.050.000 đồng và phụ cấp công vụ ở mức 25%. Một số ý kiến cho rằng, so với Đề án cải cách tiền lương, đến nay, việc thực hiện còn chậm, mức lương tối thiểu và phụ cấp công vụ còn ở mức thấp, chưa đảm bảo được yêu cầu của cải cách tiền lương. Đồng thời, đề nghị Chính phủ có phương án tách bạch giữa công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu để có lộ trình tăng lương phù hợp. Dự toán bội chi NSNN bằng 4,8% GDPTheo UB Tài chính - Ngân sách, chi NSNN phải được nỗ lực cân đối để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh kinh tế đứng trước nhiều khó khăn. Do vậy, việc cắt giảm bội chi, giảm đầu tư công đột ngột có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế và giải quyết các chính sách an sinh xã hội.
Đa số các ý kiến trong UB đều tán thành với Chính phủ mức bội chi NSNN 2012 là 140.200 tỷ đồng, bằng 4,8% GDP. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lưu ý rằng, nếu tính thêm phần vốn trái phiếu Chính phủ (45.000 tỷ đồng) vào bội chi NSNN thì tỷ lệ bội chi năm 2012 sẽ là 6,3%. Theo phương án tăng trưởng bình quân 6,5% trong kế hoạch tài chính 5 năm Chính phủ trình, bội chi NSNN năm 2015 dự kiến là 202.500 tỷ đồng, nếu tính cả trái phiếu Chính phủ năm 2015 (45.000 tỷ đồng) thì bội chi là 247.500 tỷ đồng, bằng 5,5% GDP (dự kiến GDP đến năm 2015 là 4.500 nghìn tỷ đồng). Do đó, để thực hiện đúng Nghị quyết Đại hội Đảng XI, Chính phủ cần có lộ trình giảm bội chi quyết liệt hơn.
Ngoài ra, theo phương án của Chính phủ trình, dư nợ Chính phủ đến cuối năm 2012 ước khoảng 46,1% GDP; nợ nước ngoài của quốc gia ước khoảng 44,2% GDP; dư nợ công ước khoảng 58,4% GDP.
Có ý kiến lưu ý rằng, các chỉ tiêu an toàn nợ là tham chiếu có ý nghĩa quan trọng, vì vậy cần thiết phải quy định ngưỡng giới hạn trần nợ công trong trung hạn để tránh cho tài chính quốc gia không lâm vào tình trạng khó khăn trước những nguy cơ biến động khó lường của nền kinh tế thế giới. Do vậy, từ năm 2013, cần có chính sách hỗ trợ từ 30 đến 50% số vượt thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cho các địa phương có cửa khẩu qua biên giới, nhưng không quá 300 tỷ đồng/năm trên cơ sở các địa phương này có dự án được Chính phủ phê duyệt để thực hiện nhiệm vụ cải tạo, mở rộng, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế cửa khẩu, đồng thời để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa, góp phần tăng thu NSNN.
Hà Phương