Ngân hàng và doanh nghiệp BĐS chạy đua phát hành trái phiếu trước giờ G
Tháng 8/2020, tổng giá trị đăng ký và phát hành của trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đều tăng mạnh.
Tổng giá trị đăng ký và phát hành của trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng 8/2020 tăng mạnh (ảnh minh họa). |
Cụ thể, giá trị đăng ký trong tháng 8/2020 đạt 127.092 tỷ đồng (tăng 68,13%) và giá trị phát hành đạt 38.399 tỷ đồng (tăng 92,53%).
Trong đó, bất động sản, ngân hàng và dịch vụ là 3 nhóm ngành có tổng giá trị phát hành lớn nhất với giá trị phát hành đạt 11.670 tỷ đồng, 10.038 tỷ đồng, và 6.826 tỷ đồng.
Việc khối lượng TPDN phát hành tăng mạnh trong tháng vừa qua cũng có thể là do các doanh nghiệp đang tận dụng nốt khoảng thời gian trước thời điểm 01/09/2020 khi Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 163/2018/NĐ-CP có hiệu lực.
Nghị định số 81/2020/NĐ-CP mới được ban hàng theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, giới hạn về phát hành trái phiếu riêng lẻ nhằm hạn chế hoạt động phát hành quá mức cho nhà đầu tư cá nhân; đồng thời yêu cầu cao hơn về trách nhiệm của các bên tham gia vào quá trình phát hành trái phiếu.
Do vậy, sau ngày 01/09/2020, giá trị phát hành TPDN có thể sẽ có xu hướng giảm so với 8 tháng đầu năm nay.
Đáng chú ý, trong nhóm các doanh nghiệp bất động sản, một số doanh nghiệp có lượng trái phiếu huy động lớn lại là những doanh nghiệp không mấy tên tuổi trên thị trường, như Công ty Cổ phần Đầu tư Quang Thuận (khoảng 3.000 tỷ đồng), Công ty TNHH Saigon Glory (1.000 tỷ đồng) với lãi suất khoảng 11%.
Tính chung trong 8 tháng đầu năm, bất động sản tiếp tục dẫn đầu quy mô thu hút TPDN với 11.670 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 30,39% tổng lượng TPDN phát hành. Tổ chức tín dụng xếp thứ hai với 26,14% - tổng giá trị vào mức 10.038 tỷ đồng.
Dù lãi suất huy động của ngân hàng vẫn đang trong xu hướng giảm, lãi suất của TPDN của các doanh nghiệp bất động sản vẫn tương đối cao. Điều này cho thấy nhu cầu vốn của các doanh nghiệp vẫn tương đối lớn.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), một phần nguyên nhân có thể là do nhóm doanh nghiệp này đang khó tiếp cận vốn ngân hàng.
Trong nhóm ngân hàng, VPBank, VIB và BIDV là những ngân hàng có lượng phát hành TPDN lớn nhất trong tháng qua với giá trị phát hành lần lượt 3.200 tỷ đồng, 3.000 tỷ đồng và 2.597 tỷ đồng.
TPDN là một kênh đầu tư mới đối với nhiều nhà đầu tư cá nhân, bên cạnh những kênh đầu tư phổ biến bao gồm vàng, ngoại tệ, bất động sản, cổ phiếu. Đặc điểm của mỗi loại hình đầu tư này là lợi suất kỳ vọng càng lớn, rủi ro càng cao.
Hiện nay các ngân hàng cũng sẵn sàng mua lại TPDN từ các nhà đầu tư cá nhân vào cuối kỳ hạn nếu không có vi phạm xảy ra từ phía tổ chức phát hành trái phiếu. TPDN phù hợp với những khách hàng có khả năng chấp nhận rủi ro cùng với kỳ vọng lợi suất cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm.
Do đây là kênh đầu tư còn nhiều lỗ hổng quản lý, mang lại những rủi ro cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư nếu chạy theo lãi suất quá cao. Do vậy, Nghị định 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/09/2020 góp phần điều chỉnh thị trường.
Trong đó, đáng chú ý là khoản mục yêu cầu dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất.
Ngân Giang
Nóng cuộc đua phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Nhiều chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp sẽ tận dụng khoảng thời gian trước khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 163/2018/NĐ-CP có hiệu lực, để đẩy mạnh phát hành trái phiếu.