Ngăn chặn tối đa thực phẩm bẩn trà trộn trong dịp tết Nguyên đán 2019
Kiểm tra an toàn thực phẩm. Ảnh: NĐ |
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, trong năm 2018, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã bắt được số lượng lớn những loại thịt không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Những đối tượng này mua sản phẩm trôi nổi, sau đó cho phụ gia vào để đánh lừa người tiêu dùng.
Theo báo cáo của Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, từ năm 2017 đến 2018, thành phố đã tiến hành xử phạt 7.320 cơ sở, với tổng số tiền trên 51,5 tỷ đồng. Thu hồi, tiêu hủy 90.395 kg sản phẩm thực phẩm, 7.211 kg hóa chất, 28.470 con gia súc, gia cầm, 4.623 quả trứng gia cầm và 298.818 đơn vị sản phẩm (chai/hộp/viên) thực phẩm khác không đảm bảo chất lượng.
Qua kiểm tra, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm vẫn còn vi phạm về điều kiện vệ sinh do khu vực sản xuất, chế biến xuống cấp, một số cơ sở có bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn chưa chấp hành các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thời điểm cận Tết, số lượng lớn hàng hóa tiêu thụ trên thị trường nhiều, các đối tượng sẽ lợi dụng để trà trộn thực phẩm, sản phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, tuồn vào thị trường.
Để ngăn chặn thực phẩm kém chất lượng trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2019, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã chuẩn bị lực lượng, kế hoạch thanh kiểm tra.
Hiện nay, các đội quản lý an toàn thực phẩm tại các quận huyện đã được giao kế hoạch. Đối với một số đơn vị có kế hoạch từ trước cũng bắt đầu tiến hành thanh kiểm tra.
Toàn thành phố sẽ thành lập 12 đoàn kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân 2019, trong đó tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, chú trọng vào các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước giải khát, thịt, thủy hải sản, trứng, các sản phẩm từ sữa, các cơ sở kinh doanh ăn uống...
Đồng thời, sẽ tập trung thanh kiểm tra nhiều ở các kho lạnh, bởi đây là địa điểm tập kết các loại thịt động vật, tăng cường kiểm soát các cơ sở sản xuất bánh mứt, thực phẩm, bia, nước, giải khát… tập trung nhiều đến khâu lưu thông phân phối, vì đây là thời điểm đưa hàng về các chợ Tết.
“Đáng lo nhất của thành phố là tại các quận huyện vùng ven và các tỉnh lân cận hay có truyền thống cất rượu thủ công, nhưng nhiều nơi sử dụng men Trung Quốc không rõ nguồn gốc, rượu pha cồn… dẫn đến nguy cơ cao.
Đến nay, TP. HCM chưa có trường hợp nào chết vì ngộ độc rượu, nhưng không vì thế mà không tập trung kiểm soát. Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm soát vấn đề này bằng cách phối hợp với các quận huyện kiểm tra việc nấu rượu thủ công ở hộ gia đình, phải có sự giáo dục ở cộng đồng tuyên truyền lẫn nhau để thấy đó là nguy hiểm”, bà Lan chia sẻ.
Ngoài ra, đoàn cũng sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm và chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; bị phản ánh từ cá nhân, tổ chức, báo đài.
Việc thành lập các đoàn kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế, ngăn ngừa các sự cố về an toàn thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Trong quá trình kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.