Nga nên dè chừng tên lửa TOW của Mỹ ở Syria?
Kể từ năm 2013, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã tổ chức huấn luyện và hỗ trợ nhiều loại vũ khí cùng đạn dược cho phe nổi dậy chiến đấu chống lại quân đội chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Những loại vũ khí mà Mỹ cung cấp cho phe nổi dậy đã đẩy xung đột ở Syria trở thành một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Washington - Moscow khi mà Nga đang tăng cường triển khai các hành động quân sự ở quốc gia Trung Đông này.
Một tay súng nổi dậy sử dụng tên lửa TOW do Mỹ tài trợ. |
"Trong khi phe nổi dậy được tăng cường trang bị khí tài và Nga không ngừng tăng số lượng các cuộc không kích nhằm tiêu diệt lực lượng chống lại Tổng thống Assad, cuộc xung đột ở Syria đang dần biến thành một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Mỹ và Nga", tờ The New York Times nhận định.
Còn theo AP, kể từ khi CIA triển khai chương trình hỗ trợ phe nổi dậy ở Syria, Mỹ đã đào tạo và trang bị vũ khí cho khoảng 10.000 tay súng. Một trong những loại vũ khí hùng mạnh nhất mà Mỹ trang bị cho phiến quân Syria là tên lửa chống tăng TOW.
Theo thiết kế, tên lửa chống tăng dẫn đường TOW có tầm bắn tối đa khoảng 3.700 m, và phiên bản cải tiến được trang bị đầu đạn nặng 6,2 kg, đủ sức xuyên thủng lớp giáp dày hoặc các lớp giáp phản ứng nổ của xe tăng. Thời gian bay của tên lửa từ lúc phóng đến lúc chạm mục tiêu ở khoảng cách tối đa là 20 giây, với vận tốc bay khoảng 187 m/s.
Business Insider nhận định sức mạnh tấn công của tên lửa TOW đã làm giảm mất 1/10 khả năng chiến đấu của lực lượng xe tăng và xe bọc thép của quân chính phủ Syria. Đây cũng là lý do khiến nhiều vùng lãnh thổ từng nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Syria đã bị phe nổi dậy chiếm đóng. Thậm chí, phiến quân còn giành được hàng loạt chiến công ở khu vực phía tây bắc đồng thời tiến sát đe dọa trung tâm tỉnh Latakia, thành trì quan trọng của Tổng thống Assad.
Việc giành được quyền kiểm soát và thắng lợi của phiến quân Syria ở tỉnh Latakia mang 2 ý nghĩa. Thứ nhất, mất Latakia đồng nghĩa với việc chính phủ Syria không có khả năng bảo vệ những vùng đất mà họ từng tuyên bố nắm quyền kiểm soát. Thứ hai, chiếm được Latakia, phe nổi dậy sẽ bị đưa vào phạm vi tấn công của quân đội Nga từ thành phố cảng Tartous, căn cứ hải quân duy nhất của Moscow ở Địa Trung Hải.
"Ngẫu nhiên, một cuộc chiến ủy nhiệm đã xuất hiện. Bởi kho vũ khí của phe nổi dậy ngày càng có nhiều tên lửa TOW, trong khi với sự trợ giúp của Nga, quân chính phủ Syria đang tổ chức các đợt phản công nhằm giành lại quyền kiểm soát những vùng lãnh thổ bị phiến quân chiếm đóng", chuyên gia Jeffrey White tại Viện Chính sách Cận Đông tại Washington chia sẻ.
Trên thực tế, hiệu quả chiến đấu của tên lửa TOW được đánh giá cao hơn kỳ vọng. Điển hình, đợt phản công nhằm tiêu diệt phe nổi dậy được chính quyền của Tổng thống Assad tổ chức hồi tuần trước đã vấp phải sự kháng cự của "vũ khí hủy diệt xe tăng" – tên lửa TOW do nhóm Quân đội Syria Tự do (FSA) và các nhóm phiến quân khác sử dụng.
Theo số liệu thống kê từ Tổ chức giám sát nhân quyền Syria, trong cuộc giao tranh trên, "lực lượng phiến quân Syria cùng với sự hỗ trợ của tên lửa TOW và các loại tên lửa dẫn đường do Mỹ sản xuất đã gây ra thiệt hại cho 15 xe thiết giáp, phương tiện quân sự và xe tăng của quân chính phủ Syria".
Còn theo Business Insider, địa hình đồi núi và đồng bằng ở phía tây bắc Syria như tỉnh Hama và Idlib, hoàn toàn phù hợp với việc sử dụng tên lửa TOW. Trong khi đó, lực lượng xe bọc thép của quân chính phủ Syria dường như không được bảo vệ hoặc được điều động với số lượng lớn trong khu vực, đang trở thành mục tiêu tấn công lý tưởng của các loại tên lửa dẫn đường do phiến quân sử dụng.
Sự kết hợp giữa hiệu quả tấn công của tên lửa TOW cùng yếu tố địa hình đã buộc Nga đưa ra phản ứng mạnh mẽ hơn nhằm bảo vệ lợi ích chiến lược ở Syria.
"Quyết định của Nga xuất phát từ việc quân đội chính phủ Syria đang mất dần ưu thế và nguy cơ mất vùng lãnh thổ phía tây bắc. Trong đó, tên lửa TOW là mối đe dọa lớn nhất", chuyên viên tư vấn ở Dubai, ông Oubai Shahbandar nhận định.
Thậm chí, hiện nay, Ả Rập Xê-út cũng đang chuyển một số lượng lớn tên lửa TOW cho phe nổi dậy Syria vốn được Mỹ chống lưng nhằm tăng sức ép lên quân đội Tổng thống Assad. Hồi tuần trước, Ả Rập tuyên bố nước này đã gửi 500 quả tên lửa TOW cho phiến quân Syria.
Chuyên gia Jeffrey White cho rằng 500 quả tên lửa "không phải là nhiều" và chưa thể tạo ra sự xoay chuyển tình thế lớn ở Syria nhưng nó sẽ khiến lực lượng thiết giáp của chính quyền Tổng thống Assad gặp vô vàn khó khăn khi triển khai các đợt tấn công giành lại lãnh thổ.
Nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nhóm phiến quân, Nga đã tăng cường triển khai các cuộc ném bom nhằm vào kho vũ khí của phe nổi dậy. "Theo tôi, tại thời điểm hiện tại, sự can thiệp của Nga đóng vai trò vô cùng quan trọng với Tổng thống Assad", Thượng nghị sĩ Jim Himes, một thành viên Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ nói.
Về phần mình, Nga vẫn khẳng định mục tiêu chính trong các đợt không kích ở Syria là nhằm tiêu diệt nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, lực lượng đang chiếm đóng nhiều khu vực rộng lớn ở Syria và Iraq.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…