Nga gọi hệ thống phòng không Buk-M3 là ‘máy bay chiến đấu không người lái’
“Các tiểu đoàn tên lửa của Quân khu phía Tây bao phủ vị trí của các cơ sở quân sự lớn, cũng như các cơ sở hạ tầng trước vũ khí tấn công đường không của đối phương. Với số lượng lớn máy bay do thám và tấn công Bayraktar TB2 bị bắn hạ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, Buk-M3 được đặt biệt danh là máy bay chiến đấu không người lái. Nhưng nó cũng tấn công hiệu quả tên lửa Tochki-U, HIMARS và các bệ phóng tên lửa đa năng khác”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm 11/1 trên kênh Telegram.
Trước đó, vào tháng 12/2022, người đứng đầu lực lượng phòng không của Lực lượng Vũ trang Nga, Trung tướng Alexander Leonov, đã thông báo về việc cung cấp hệ thống phòng không Buk-M3 cho nước này.
“Hệ thống phòng không Buk-M3 đầu tiên đã được chuyển giao. Trước mắt, việc cung cấp thêm 6 hệ thống như vậy đã được lên kế hoạch để tái trang bị cho 2 lữ đoàn tên lửa phòng không”, ông Leonov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với ấn phẩm chính thức của Bộ Quốc phòng Nga - Krasnaya Zvezda.
Buk-M3 đã được sử dụng thành công trong chiến dịch đặc biệt ở Ukraine, bao gồm cả song song với phiên bản trước đó của hệ thống phòng không Buk-M2.
“Trong chiến dịch quân sự đặc biệt, một khẩu đội hỗn hợp gồm các hệ thống tên lửa phòng không Buk-M3 và Buk-M2 của Quân khu trung tâm trong tháng qua đã phá hủy khoảng 40 vũ khí tấn công đường không của đối phương. Phi đội của hai hệ thống phòng không hoạt động trong một hệ thống phòng không duy nhất để phân phối các mục tiêu tùy thuộc vào phạm vi và đặc điểm hoạt động.
Điều này cho phép tăng hiệu quả của hệ thống phòng không, tiết kiệm tài nguyên và kéo dài đáng kể tuổi thọ của hệ thống tên lửa phòng không. Do hoạt động chiến đấu của các hệ thống phòng không Buk-M3 và Buk-M2, máy bay không người lái tấn công và trinh sát, đạn của hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS, tên lửa đạn đạo Tochka-U đã bị tiêu diệt”, Bộ Quốc phòng Nga báo cáo vào tháng 11/2022.
“Buk-M3” được thiết kế để cung cấp khả năng phòng không cho các cơ sở quân sự và quân đội khỏi các cuộc không kích lớn bằng phương tiện tấn công trên không trong tình huống hỏa lực và điện tử khó khăn.
Phiên bản xuất khẩu của Buk-M3 là hệ thống phòng không Viking, tầm bắn của hệ thống phòng không đa chức năng, cơ động cao, đa kênh này là 65 km. So với hệ thống phòng không Buk-M2E, tầm bắn của Viking đã tăng gần 1,5 lần - lên tới 65 km.
Ngoài ra, số lượng mục tiêu được bắn đồng thời tăng 1,5 đến 6 lần cho mỗi đơn vị bắn tự hành và số lượng tên lửa dẫn đường phòng không sẵn sàng phóng ở vị trí khai hỏa từ 2 đơn vị chiến đấu tăng từ 8 đến 18.
Trung tâm điều khiển chiến đấu của Viking có khả năng tiếp nhận thông tin không chỉ với một trạm radar tiêu chuẩn mà còn với các trạm radar khác, bao gồm cả những trạm không phải của Nga.
Theo nhà phát triển Viện nghiên cứu Tikhomirov NIIP “Viking” ngoài máy bay, tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình và vũ khí chính xác cao, còn có thể tấn công các mục tiêu trên biển và trên mặt đất (ở khoảng cách lên tới 15 km).
Thời gian phản ứng là 10-12 giây. Tổ hợp có thể hoạt động trong dải nhiệt độ từ -50°C đến +50°C, độ ẩm lên tới 98% và cả ở độ cao tới 3.000m so với mực nước biển.
Bình Minh (lược dịch)