Hệ thống trinh sát không gian Liana - tai mắt của Hải quân Nga
Hải quân Nga chưa tiết lộ nhiều về khả năng của hệ thống, nhưng một số thông tin đã được công bố cho thấy nhiệm vụ chính của Hệ thống trinh sát không gian Liana là tiến hành trinh sát radar thụ động và chủ động, do đó nó sử dụng hai vệ tinh thuộc các loại khác nhau: Lotos-S và Pion-NKS. Các sự kiện quân sự gần đây đòi hỏi Nga phải tăng số lượng vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất, điều này rất có thể sẽ được thực hiện trong thời gian tới.
Hệ thống trinh sát không gian Liana hoạt động theo quỹ đạo tròn, ở độ cao 800-900 km và thực hiện theo dõi một khu vực nhất định. Với sự giúp đỡ của hệ thống này, hoạt động của các hạm đội nước ngoài được theo dõi và chỉ định mục tiêu cho tàu nổi, tàu ngầm, hàng không hải quân và hỏa lực ven biển.
Các vệ tinh Lotos-S và Lotos-S1 được thiết kế để tiến hành trinh sát điện tử. Nhiệm vụ của chúng là theo dõi các tín hiệu vô tuyến từ tàu nổi, tàu ngầm và các mục tiêu trên mặt đất, xử lý và xác định vị trí của chúng. Dữ liệu nhận được sẽ tự động được truyền đến các xe điều khiển.
Một tính năng đặc biệt của thiết bị Pion-NKS là sự hiện diện của một trạm radar chính thức trên vệ tinh, cho phép theo dõi tình hình trên biển và trên đất liền. Hệ thống sử dụng nguyên tắc phát hiện chủ động, do đó nó có thể phát hiện các mục tiêu ở chế độ im lặng vô tuyến và xác định tọa độ với độ chính xác cao.
Hệ thống trinh sát không gian Liana có thể đảm bảo hoạt động đồng bộ với không chỉ tất cả các loại vũ khí hiện có trong biên chế, mà cả các loại vũ khí đang dự kiến sẽ được trang bị cho Hải quân Nga.
Vì vậy, với sự trợ giúp của hệ thống này, Hải quân Nga có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác bằng tên lửa Calibre và Zircon để chống lại các mục tiêu đang di chuyển.
Năm 2022, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã xác nhận nước này sẽ tiếp tục phát triển Hệ thống trinh sát không gian Liana sử dụng vệ tinh Lotos-S. Hệ thống này sẽ cải thiện đáng kể khả năng tình báo điện tử không gian của Nga.
Bộ trưởng Shoigu cho hay, Bộ Quốc phòng Nga sẽ tiếp tục phát triển hệ thống trinh sát Liana sử dụng các cụm vệ tinh Lotos-S và Pion-NKS.
Khi hoàn thiện, các cụm vệ tinh này sẽ thay thế vệ tinh tình báo điện tử Tselina thời Liên Xô, tạo ra một hệ thống nâng cấp sử dụng được cả trên đất liền và trên biển. Việc xây dựng và vận hành nhóm vệ tinh này sẽ là một ưu tiên của chính phủ.
Theo các chuyên gia quân sự, vệ tinh Lotos-S của hệ thống trinh sát sẽ được giao nhiệm vụ giám sát mặt đất, trong khi các vệ tinh Pion-NKS chuyên nhiệm giám sát vùng biển. Liana là hệ thống trinh sát không gian thế hệ thứ hai của Nga.
Dự án phát triển Hệ thống trinh sát không gian Liana bắt đầu được triển khai từ đầu những năm 1990, ngay trước khi Liên Xô tan rã. Hệ thống trước đó là Legenda, được xây dựng thời Chiến tranh Lạnh, trong đó sử dụng mạng lưới tình báo tín hiệu US-P và các vệ tinh US-A.
Legenda được thiết kế như một hệ thống do thám cho tên lửa hạt nhân và chống tàu của Liên Xô nhằm mục tiêu vào các tàu sân bay của Mỹ, của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như các hạm đội. Hệ thống trinh sát Liana được bắt đầu phát triển trong giai đoạn khó khăn sau sự sụp đổ của Liên Xô.
Các vệ tinh Lotos-S và Pion-NKS đầu tiên của Hệ thống trinh sát không gian Liana tới giai đoạn năm 2009-2014 mới bắt đầu được khởi động.
So với hệ thống tiền nhiệm, thiết kế của các vệ tinh mới có quỹ đạo hoạt động cao hơn (ở hệ thống Legenda chỉ 250 km, trong khi Liana có quỹ đạo 1.000 km).
Điều này đồng nghĩa Hệ thống trinh sát không gian Liana có tầm quét mở rộng và vòng đời được cải thiện. Các vệ tinh mới cũng sử dụng các tấm pin mặt trời hiện đại.
Đầu năm nay, một nguồn tin quân sự Nga tiết lộ rằng mạng lưới Liana được thiết kế để kiểm soát vị trí và chuyển động của các tàu ngầm tại các vùng biển gần đường bờ biển của Nga.
Với mục đích này, Nga có kế hoạch tạo ra một mạng lưới các thành phần sonar chủ động và bị động, được lắp đặt trên các phao neo gần bờ biển.
Những hệ thống này sẽ thu thập dữ liệu trước khi chuyển nó vào Hệ thống trinh sát không gian Liana, sau đó sẽ truyền lại thông tin để kiểm soát mạng lưới nhằm giám sát và nhắm mục tiêu. Các chuyên gia quân sự tin rằng, để giám sát toàn bộ bề mặt Trái đất, Nga sẽ cần tới 6-8 hệ thống này.
Hạ Thảo (lược dịch)