Nga đã gửi 5 chiếc Su-35 tới Trung Quốc
Chính quyền thành phố Komsomolsk-on-Amur (Nga) cho biết, hai nước đã nhất trí giao máy bay vào ngày 20/12, nhưng đến ngày 25/12 các phi cơ này mới có mặt tại Trung Quốc. Ban đầu, Nga sẽ giao Su-35 cho Trung Quốc vào đầu năm 2017, song sau đó họ đồng ý bàn giao sớm hơn dự kiến. Trang web của chính quyền thành phố Komsomolsk-on-Amur viết: “Các máy bay đã đến địa điểm đã định mà không gặp bất kỳ vấn đề nào”.
Máy bay tiêm kích Su-35 của Nga. |
Thỏa thuận mua bán máy bay Su-35 giữa Nga và Trung Quốc đã được ký kết vào tháng 11/2015, theo đó Nga sẽ giao 24 máy bay Su-35 cho Trung Quốc với tổng giá trị khoảng 2 tỉ USD. Ban đầu, Nga muốn số phi cơ chiến đấu được bán đi nhiều hơn thế, song họ buộc phải chấp thuận yêu cầu của Bắc Kinh.
Nga lo sợ Trung Quốc sẽ bí mật nghiên cứu các công nghệ trên Su-35 để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp quân sự. Về điểm này, chính quyền thành phố Komsomolsk-on-Amur cho biết: “Nga và Trung Quốc đã ký thỏa thuận nhằm bảo vệ các tài sản trí tuệ. Nếu không có sự cho phép của Nga, Trung Quốc sẽ không thể sao chép các công nghệ của máy bay”.
Thế nhưng, bản thân Nga hiểu rằng thỏa thuận bảo vệ tài sản trí tuệ này có thể sẽ không có tác dụng. Phát biểu trong một sự kiện ngày 15/11, Trung tướng Nga đã nghỉ hưu Evgeny Buzhinsky cho biết Nga đã có những bước đề phòng trước khi giao Su-35 cho Trung Quốc. Phiên bản được xuất khẩu sẽ không giống với phiên bản mà Không quân Nga đang sử dụng. “Su-35 có cả phiên bản xuất khẩu và phiên bản đặc biệt chỉ dành riêng cho quân đội Nga sử dụng”, ông Buzhinsky nói, “Bởi người Trung Quốc rất giỏi sao chép”.
Một phi cơ Su-35 được các kỹ sư kiểm tra trước khi cất cánh tại Triển lãm Hàng không Chu Hải năm 2014 tại Trung Quốc. |
Nga vẫn tin rằng công nghệ quân sự của họ, cụ thể là động cơ phản lực Saturn AL-41F1S, sẽ được bảo vệ. “Họ không có khả năng chế tạo động cơ”, ông Buzhinsky nói. “Chúng tôi đã đồng ý cung cấp động cơ của Su-35 cho Trung Quốc, nhưng các đồng nghiệp của nói khẳng định rằng việc sao chép nó là không thể bởi Trung Quốc sẽ phá hỏng động cơ trước khi thu được những thông tin quan trọng về động cơ”.
Dù vậy, chắc chắn Trung Quốc mua các phi cơ Su-35 nhằm mục đích nghiên cứu các công nghệ trên máy bay.
Mặc dù đang phát triển các loại máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại như J-20 và J-31, có thể thấy rõ rằng Trung Quốc đang kém xa Mỹ và Nga trong việc chế tạo động cơ phản lực. J-20 đang sử dụng động cơ Salut AL-31FN của Nga, vốn được thiết kế để trang bị cho máy bay Su-27.