Nga ‘bất ngờ’ di chuyển gần 100 tên lửa tầm xa
Cụ thể, số tên lửa này được cho là gần 100 tên lửa tầm xa được thiết kế cho tổ hợp S-300 và S-400, với tầm bay tối đa lên tới 400 km.
Theo Daily Mail, các tên lửa này đã được chuyển đến Nga từ lãnh thổ Belarus, trong khi ở Anh có những lo ngại rất nghiêm trọng về điều này.
Các nhà báo và nhà phân tích Anh nhận định, việc chuyển tên lửa từ Belarus sang Nga có thể là bằng chứng cho thấy việc Ukraine có thể chuẩn bị cho các cuộc tấn công quy mô lớn vào lãnh thổ của Nga, bằng cả việc sử dụng tên lửa và máy bay không người lái. Hơn nữa, nhiều tin đồn tiếp tục lan truyền ở Anh rằng những tên lửa như vậy có thể được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất.
Cho đến nay, không có tuyên bố chính thức nào từ Bộ Quốc phòng Nga về những thông tin của phương tiện truyền thông Anh, tuy nhiên, nhiều khả năng các tên lửa này có thể được sử dụng chỉ để tăng cường khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công tên lửa mới từ Ukraine.
Mới đây, New York Times đưa ra lời giải thích khả dĩ về việc vì sao Nga có thể phóng một loạt tên lửa vào Ukraine trong tuần này, sau khi Kiev, Lầu Năm Góc và tình báo Anh khẳng định suốt nhiều tháng rằng kho dự trữ tên lửa của Moscow đang dần cạn kiệt.
Ukraine tháng trước tuyên bố Nga đã sử dụng hết 70% dự trữ tên lửa trước xung đột, trong khi Bộ Quốc phòng Anh cho biết cuộc không kích ngày 10/10 nhằm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine “có khả năng hạn chế khả năng của Nga trong tương lai”.
Trong đợt không kích hôm 15/11 phương Tây mô tả là “cuộc không kích lớn nhất” từ khi xung đột bùng phát đến nay, Nga đã phóng tổng cộng 96 tên lửa và Ukraine. Việc này đặt ra câu hỏi rằng có thực sự kho tên lửa của Nga đã suy kiệt, hay liệu Moscow có phải tìm các nguồn vũ khí thay thế hay không.
Theo New York Times, giả thiết thứ nhất là của Lầu Năm Góc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết hôm 16/11, Nga đang “tiếp cận” Iran và Triều Tiên để bổ sung kho đạn dược. Trước đây, Lầu Năm Góc cũng tuyên bố Nga đã hết tên lửa từ tháng 5. Tuy nhiên, Moscow, Tehran và Bình Nhưỡng đều phủ nhận cáo buộc.
Giả thiết thứ hai là dựa vào tuyên bố của Ukraine hôm 17/11 rằng Nga đã sử dụng tên lửa phòng không S-300 để tấn công các mục tiêu trên mặt đất. Những phát biểu chưa kiểm chứng này được đưa ra trong một nỗ lực của Kiev nhằm đổ lỗi cho Moscow về vụ tên lửa S-300 rơi xuống làng Przewodow của Ba Lan hôm 15/11 làm 2 thường dân thiệt mạng.
Được biết, Janes, một hãng của Anh chuyên cung cấp thông tin về quân sự, tình báo, cho rằng Nga đang thực sự chế tạo thêm tên lửa và có thể sử dụng các vi mạch dự trữ cũng như công nghệ khác bị Mỹ với các đồng minh cấm vận trong nhiều năm.
Theo Janes, Nga “có thể đã bắt đầu sản xuất một số lượng lớn tên lửa Iskander, Kalibr và tên lửa hành trình” trước tháng 2/2022, thậm chí đang tiếp tục sản xuất trong bối cảnh ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang hoạt động suốt ngày đêm.
Bình Minh (lược dịch)