IAEA kêu gọi Nga làm ‘điều không tưởng’ ở nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye
Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu về số lượng tổ máy và công suất lắp đặt. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị chuyển Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye dưới sự kiểm soát của Nga vào ngày 5/10.
Mới đây, Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) kêu gọi Nga từ bỏ các “yêu sách vô căn cứ” tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye trong Nghị quyết của tổ chức này được thông qua vào ngày 17/11.
“IAEA kêu gọi Nga ngay lập tức rút quân và các nhân viên khác khỏi Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye để chính quyền Ukraine giành lại quyền kiểm soát nhà máy”, tuyên bố cho biết.
Bản nghị quyết bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc về việc nguồn cung cấp điện cho các cụm dân cư liên tục bị gián đoạn sau các đợt pháo kích vào các khu vực xung quanh”. Tuy nhiên, nghị quyết không nêu rõ đích danh chủ thể tiến hành các cuộc tấn công này.
IAEA cũng hướng sự chú ý đến “áp lực gây ra cho các nhân viên điều hành Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye người Ukraine”, nhưng cũng không có thông tin minh bạch liên quan được đưa ra.
Cùng ngày, Hội đồng Thống đốc IAEA đã thông qua một nghị quyết tuyên bố rằng không có dấu vết của bom bẩn ở Ukraine.
Theo tuyên bố, IAEA "không tìm thấy dấu hiệu nào về các hoạt động hạt nhân không được khai báo hoặc vật liệu liên quan đến việc phát triển các thiết bị phân tán phóng xạ (bom bẩn) tại ba địa điểm ở Ukraine".
Trước đó, hôm 14/11, người đứng đầu IAEA, ông Rafael Grossi lưu ý rằng tình hình an ninh tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye ngày càng đáng lo ngại.
Hôm 16/11, ông Grossi cho biết, các cuộc đàm phán về việc thiết lập một vùng bảo vệ xung quanh Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye đang diễn ra. Ông lưu ý rằng ông coi kế hoạch tạo ra các cuộc đàm phán là “hoàn toàn thực tế”.
Trước đó, vào tháng 9, Hội đồng Thống đốc IAEA thông qua một nghị quyết tại phiên họp kín kêu gọi Nga rút lực lượng khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye. Vào thời điểm đó, nghị quyết được 26 quốc gia ủng hộ, trong khi 7 quốc gia bỏ phiếu trắng.
Liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 17/11 cho biết, Nga không xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân sau khi Mỹ cảnh báo về hậu quả của vấn đề này.
Ông Peskov, cũng đổ lỗi cho các nước châu Âu thảo luận về vấn đề hạt nhân, "từ đó làm leo thang căng thẳng trong một vấn đề hoàn toàn không thể chấp nhận được và có khả năng gây nguy hiểm".
Hạ Thảo (lược dịch)