Nâng cấp cảng biển để làm du lịch
Theo đó, có 6 nhóm cảng biển được nâng cấp gồm: bến cảng Hòn Gai (Quảng Ninh); Chân Mây (Thừa Thiên- Huế); Tiên Sa (Đà Nẵng); Đầm Môn (Bắc Vịnh Vân Phong) và Nha Trang (đều của Khánh Hòa); Sao Mai- Bến Đình (Bà Rịa - Vũng Tàu); và bến tàu khách trên sông Sài Gòn- Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh); Mũi Đất Đỏ (Phú Quốc, Kiên Giang).
Theo quy hoạch, sau khi nâng cấp mở rộng, các bến này sẽ tiếp nhận được các tàu du lịch quốc tế từ 50.000-100.000 GT. (GT: Gross Tonnage, đơn vị đo dung tích của tàu biển, 1GT=2,831 mét khối).
Việt Nam có tỷ lệ đất liền trên chiều dài bờ biển vào loại cao so với thế giới, cụ thể cứ 100km2 đất liền Việt Nam có 1km bờ biển trong khi trung bình của thế giới là 600km2. Các khu, điểm du lịch của Việt Nam chủ yếu nằm trên dải ven biển, chiếm đến 70% tổng số khu du lịch và thu hút khoảng 50% lượng du khách. Thế nhưng lượng khách quốc tế đến với Việt Nam bằng tàu biển lại rất thấp, năm 2013 là 193.300 lượt, chỉ bằng 2,5% lượng du khách.
Với chiều dài hơn 3.260km đường biển, có 39 cụm cảng, cảng biển được quy hoạch nhưng thực tế bến khách chuyên dùng cho khách du lịch quốc tế với hạ tầng rất nghèo nàn, còn chung bến với hàng hóa, container; chưa có một cảng tàu du lịch chuyên dụng có quy mô khu vực.
Ông Kevin Leong, Chủ tịch Hiệp hội Du thuyền châu Á cho biết, tại khu vực Châu Á các điểm đến nhiều của du lịch tàu biển là Hồng- Kông, Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore, đảo Jeju (Hàn Quốc), Phuket (Thái Lan), Hạ Long (Việt Nam)… và tập trung phần lớn ở các chuyến đi kéo dài khoảng một tuần trở lại. Thị trường gốc chủ yếu là Trung Quốc (chiếm 16% lượng khách du lịch tàu biển). Tuy nhiên, theo ông Kevin Leong, khách châu Á có xu hướng thích những nơi có nhiều hoạt động, dịch vụ du lịch nên tập trung xây dựng hoạt động trên bờ để phục vụ du khách. Xu hướng tàu biển du lịch càng ngày càng được lớn, có nhiều tàu lên đến 200.000 GT. Nếu cảng du lịch của Việt Nam chỉ quy hoạch tối đa 100.000 GT thì sẽ khó đáp ứng xu hướng chung của du lịch tàu biển.