Nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài
Tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại do Bộ TT&TT tổ chức vào sáng 8/12, TS Lê Quốc Vệ, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, trong những năm qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình.
Điều 18 Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn boá dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương đất nước.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay có khoảng 5,3 triệu người sinh sống làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, đại bộ phận đồng bào đã có địa vị pháp lý và cuộc sống ổn định, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại.
Dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta vẫn luôn hướng về tổ quốc. Tuy nhiên vẫn có những luồng thông tin chưa chính xác trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn về các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước… Do đó, việc truyền thông chính sách cho người Việt Nam ở nước ngoài được xác định là nhiệm vụ quan trọng.
Để tăng cường truyền thông dự thảo chính sách pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần Kết luận số 12- KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị và Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ, TS Lê Quốc Vệ cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Thứ nhất, để các dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội được truyền thông đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan chủ trì soạn thảo cần xây dựng kế hoạch và tổ chức truyền thông về nội dung dự thảo chính sách theo quy định tại Quyết định số 407 đến người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó tập trung vào các dự thảo chính sách pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam nói chung và người Việt Nam ở nước ngoài nói riêòa, nhất là các lĩnh vực pháp luật liên quan thiết thực đến người Việt Nam ở nước ngoài như: hộ tịch, quốc tịch, chứng thực: xuất cảnh, nhập cảnh, pháp luật về đất đai, xây dựng nhà ở, chính sách về bảo hộ của Nhà nước Việt Nam đối với công dân Việt Nam tại nước ngoài.
Thứ hai, các cơ quan chức năng cần xác định hoạt động truyền thông dự thảo chính sách cho đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài là hoạt động có tính chất đặc thù, do vậy cần đa dạng hoá hoạt động truyền thông dự thảo chính sách pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả như xây dựng tài liệu truyền thông dự thảo chính sách pháp luật ngắn gọn, sinh động, dễ hiểu, được dịch ra tiếng nước ngoài phổ thông; tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng chuyên biệt dành cho người Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, trọng tâm là kênh VTV4 Đài Truyền hình Việt Nam, kênh thông tin đối ngoại của Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số thông qua cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, các ứng dụng mạng xã hội, trong đó hệ thống các thông tin nội bộ, cổng/trang thông tin của các cơ quan đại diện nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài cũng có vai trò hết sức quan trọng, lồng ghép trong các diễn đàn, gặp mặt kiều bào ở nước ngoài…
Song song với đó, TS Lê Quốc Vệ cũng nhấn mạnh cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, tích cực từ phía cơ quan thông tin truyền thông với các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, cơ quan ngoại giao trong truyền thông dự thảo chính sách cho người Việt Nam ở nước ngoài để bảo đảm thông tin đa chiều, khách quan, chính thức, chính xác và đầy đủ.
"Có như vậy mới góp phần nâng cao chất lượng của văn bản pháp luật cũng như công tác người Việt Nam ở nước ngoài", TS Lê Quốc Vệ cho hay.
Cuối cùng theo TS Lê Quốc Vệ, cần thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nghiệp vụ, cung cấp tài liệu kỹ năng về tổ chức truyền thông chính sách nói chung, cho người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý báo chí để tham gia triển khai thực hiện nhiệm vụ một cách có hiệu quả; Có cơ chế cụ thể để cơ quan báo chí phối hợp cùng tham gia thực hiện truyền thông chính sách, trong đó có việc đặt hàng, giao nhiệm vụ truyền thông chính sách cho cơ quan báo chí thực hiện… để đảm bảo hoạt động này được triển khai ổn định, bền vững.
N. Huyền