Nạn nhân chất độc da cam hiến xác viết tâm thư

Chị tên là Phạm Thị Nhí, nạn nhân chất độc da cam, mang nhiều chứng bệnh trong người. Thấm thía nỗi đau, mất mát của cuộc đời mình, thấu hiểu nỗi bất hạnh của hàng triệu nạn nhân chiến tranh, chị đã quyết định hiến xác cho khoa học.

Lời tòa soạn: Từ lúc mới sinh ra, chị Phạm Thị Nhí đã bị liệt chân và mang nhiều bệnh trong người. Đến 8 tuổi chị mới lần giường tập đi. Vượt qua bệnh tật và nỗi đau, hiện chị tự học đại học đang làm việc tại Văn phòng Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin TP.HCM (VAVA), và đang học đại học.

Thấu hiểu nỗi đau của hàng triệu nạn nhân như mình, chị quyết định hiến xác để khoa học nghiên cứu về cơ chế chất dioxin trong cơ thể con người. Chị cho rằng chính cơ thể chị mang chất độc dioxin sẽ là điều kiện tốt để các nhà khoa học có mẫu nghiên cứu trực tiếp nhằm tìm ra phương cách cứu chữa cho nạn nhân nhiễm độc.

"Tôi không có tài sản riêng, cũng không có tiền để làm từ thiện. Tôi chỉ có xác thân này xin cống hiến, để ngành khoa học trực tiếp nghiên cứu tình trạng tác động của chất độc dioxin trên cơ thể người. Đó là cách mà tôi trả ơn cho cuộc đời này, cho cộng đồng, nơi tôi đã nhận được từ đó nhiều ưu ái" - chị bày tỏ với Infonet. Bức thư tâm sự của chị gửi đến Infonet có tên "Sự sống bắt đầu".

Tôn trọng tâm sự của người viết nên thư này được chúng tôi đăng nguyên văn.


"Cuộc đời bắt đầu bằng những chuyến đi, không biết bao nhiêu điểm đến và điểm dừng, riêng với tôi thì có tất cả 3 mốc sự kiện lớn nhất đó là. Nơi xuất phát, nơi làm việc và cuối cùng là cõi đi về.

Sinh ra tại Đồng Chà Là, thôn Tam An, xã Tam Lộc, huyện Tam Kỳ (Phú Ninh), tỉnh Quảng Nam nơi đây là vùng kháng chiến cũ. Tôi bị dị tật bẩm sinh từ trong bụng mẹ, yếu liệt nửa người, khớp chân trái lỏng lẻo không đi lại được, cuộc sống của tôi đều nhờ vào sự trợ giúp của gia đình. Nhớ ngày còn bé, mỗi trận lánh nạn giặc càn, tôi phải ngồi trong thúng của Nội để nội gánh chạy đi di tản. Trên đầu máy bay quần sát rạt, phía trước đạn xéo, cứ vậy mà bà tôi vẫn kiên cường gồng gánh che chở cho tôi. Đã 8 tuổi đầu mà tôi vẫn còn bò, nhiều khi thấy các em chơi đùa, mình thèm khát được đứng lên, được chạy nhảy, mỗi lần mong ước như vậy, tôi cố bật, cố gồng người, nhưng chân vẫn cứ liệt trơ trơ… 

Cho đến một ngày đẹp trời, tự dưng tôi tự đứng lên được, hai tay tỳ vào bên thanh giường của mẹ và reo lên “Nội ơi! Con đi được rồi”, cả nhà mừng rơi nước mắt, nhưng tôi chỉ bước được vào bước rồi ngã quỵ. Ngã rồi đứng lên, cố gắng và cố gắng từng bước một cho đến khi bắt đầu đi được những bước đi đầu tiên, tôi phát hiện dáng đi khập khễnh không được bình thường. Một lần nữa phải đối diện với bao phiền toái, bạn bè đứa hiểu thì thương, đứa nghịch thì cứ gọi “ê con què kìa! Đi thẳng lên, chứ đi gì mà kỳ cục vậy, bộ trúng số hả”, rồi chúng bắt chước nhại theo.

Niềm đau và mặc cảm cứ tan chảy xuyên suốt trong cả giấc mơ, nhiều đêm thấy mình đi lại thật nhẹ nhàng, thấy lướt trên mặt cỏ xanh mướt như đôi chân không có vấn đề gì. Khi tỉnh dậy, thực tế phũ phàng bám theo cho đến khi tôi bước chân vào giảng đường Đại học. Rồi một lần nữa phải đối diện với với sức khỏe, bao khó khăn kiếm tìm một việc làm thích hợp nuôi thân để giảm gánh nặng cho gia đình.

Nạn nhân chất độc da cam hiến xác viết tâm thư - ảnh 1
Mặc dù bị những cơn đau liên tục hành hạ, nhưng hàng ngày chị Nhí vẫn làm công việc của Hội, đến với nạn nhân chất độc da cam, học chương trình đại học, và tìm tòi nghiên cứu trên Interet.

Sự sống của một đứa trẻ, một nạn nhân chất độc da cam/dioxin do hậu quả cuộc chiến tranh hoá học của Mỹ để lại còn nhiều ray rứt biết bao phận người. Tôi là thế hệ thứ hai, vô tư chẳng biết gì là chiến tranh, một đứa bé vừa mới mở mắt chào đời phải cay đắng dặm trường trên đôi quang gánh, khi lớn lên một chút, biết cảm nhận sự thật thân thể của mình nỗi đau càng giằng xé, những mặc cảm riêng tư cứ ngày tháng chất chồng thêm lên.

Khát vọng tuổi trẻ, những ước mơ hoài bão, sự mơ mộng một thời con gái, sự mưu cầu hạnh phúc cá nhân của bản thân mình đều phải ngậm ngùi chôn chặt trong tim. Nếu tôi không may mắn còn gia đình, còn cộng đồng xã hội bên cạnh nâng đỡ, yêu thương thì có lẽ tôi cũng không đứng vững đến ngày này.

Ba tôi vẫn thường động viên tôi, tuy con không được may mắn nhưng con là người gánh hết cho các em sau này, trong nhà phải có đứa này đứa nọ con ạ! Đừng buồn, có ba đây, con không sợ gì cả. Mẹ tôi là người phải âm thầm chịu đựng nhiều tiếng thị phi bởi một lẽ quan niệm lạc hậu “kiếp trước ăn ở ra sao nên sinh con nuôi không được, còn đứa thì tật nguyền”. Niềm an ủi cho tôi khi các em sinh sau đều lành lặn mặc dù không ít thì nhiều bệnh tật nhưng cũng điều trị được. Hiện nay các em đã lập gia đình và có công việc ổn định, các cháu hiếu thảo, ngoan hiền.

Để có một công việc tốt, điều kiện đặt ra cho bản thân là tự phấn đấu rèn luyện vươn lên, ngoài chuyên môn nghiệp vụ, còn đòi hỏi cơ hội và lương tâm của người tuyển dụng đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Cũng rất nhiều lần tôi phải rơi nước mắt khi đi tìm việc, rồi lại ngậm ngùi quay về nhà nằm chờ đợi, có lúc tưởng chừng tuyệt vọng ... Rồi chờ đợi cho đến khi sự kiên trì của mình được xã hội hồi đáp.  

Trước khi đến với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, tôi đã có một công việc ở Tánh Linh – Bình Thuận, công việc ban đầu khi mới vào nghề là văn thư đánh máy, hai năm sau được vào làm bộ phận hộ khẩu cho công an xã.

Những năm liền sau đó làm Trưởng ban Tư pháp xã, giải quyết hàng trăm vụ việc thấu tình đạt lý và trôi chảy nên được dân mến, dân thương. Với ước mơ được tiếp tục đi học, tôi chuyển về thư viện trường làm thủ thư cho trường Tiểu học Nghị Đức, nhờ vốn kiến thức tại thư viện tôi thi ngành Báo chí hệ tại chức.

Nhưng do điều kiện công tác trái ngành, không có kinh phí chi trả học phí, năm đó tôi không tham gia theo trường đào tạo. Vốn đam mê văn chương, tôi tập tành viết văn, viết báo, với hy vọng sẽ giới thiệu nhiều hoàn cảnh nạn nhân còn nằm trong góc khuất chưa ai biết đến để cơ may lay động lòng trắc ẩn của con người.

Những bài báo gửi đến nhịp cầu nhân ái báo Sài Gòn Giải phóng được Toà soạn sử dụng và đưa tin, nhờ vậy, nhiều gia đình được quan tâm trợ giúp như cháu Trần Văn Ánh có xe lắc tay để được đi đó đây giải phóng đôi chân gồng cứng;

Gia đình chị Nguyễn Thị Hợp có 4 người con nhiễm chất độc da cam, trong đó có đứa con trai út sống đời thực vật. Cầu nối từ Sài Gòn Giải phóng, Báo Thanh Niên đã đã giúp chị vượt qua chặng đường cơ cực, hiện nay gia đình chị đã được giải quyết chính sách thoả đáng, cuộc sống của chị tương đối tạm ổn.

Cảm động trước hoàn cảnh gia đình nghèo nuôi hai con tàn tật, tôi giới thiệu xin gửi cháu Trần Thị Lý bại liệt não về trung tâm Thiên Phước được linh mục Phan Khắc Từ cảm thông đón nhận từ khi cháu mới 4 tuổi, nay cháu đã được 14 tuổi.

Qua bao năm lưu lạc xa quê, năm 2008 nhân chuyến hành trình xuyên Việt cùng đoàn nghệ sĩ Điện ảnh Thành phố, hôm ấy tôi về Tam Lộc, nhìn thấy dân vùng kháng chiến quê tôi còn quá nghèo nàn, cầu không có đi mùa mưa lũ tràn về, học sinh phải bỏ học. Thương quê mà nghĩ lại mình không có điều kiện nào, mãi đến năm 2010 kiên trì vận động bạn bè, người thân, được Công ty Cổ phần Như Ý, đại diện bà Võ Thị Hồng Sương, hỗ trợ số tiền 160 triệu đồng cho Ủy ban Nhân dân xã Tam Lộc xây cho bà con Xóm Suối cũ, nay là đội 10 Tam Lộc một chiếc cầu bằng bê tông cốt sắt.

Từ ngày có chiếc cầu giao thông, bà con phấn khởi làm ăn phát triển, các cháu đến trường thuận lợi an toàn. Xóm Suối, Xóm Sưa đã giảm thiểu được nạn bỏ học dở chừng, nhiều học sinh đã lên Đại học…

Nhìn thấy những bài viết tuy ngắn nhưng đã có tác động rất tích cực, tôi rất hạnh phúc vì mình vẫn còn một chút gì đó có ích cho cộng động xã hội. Những mặc cảm riêng tư đã dần dần cho vào quên lãng, nhường lại cho sự tự tin, nỗ lực phấn đấu vươn lên, động viên khích lệ các bạn sinh viên, bạn bè, người thân cùng làm việc thiện.

Nạn nhân chất độc da cam hiến xác viết tâm thư - ảnh 2
Cây cầu chi Nhí vận động cho quê hương. Nhờ cây cầu này mà các em thiếu nhi không phải lội qua suối để đi học trong mùa mưa bão nữa.

Bắt đầu từ tháng 7 năm 2004, tôi được Hội Da cam Việt Nam tiếp nhận vào làm việc tại Văn phòng Đại diện phía Nam đảm trách công tác Văn thư bảo mật của Văn phòng Hội. Từ đây, cuộc đời tôi đã chuyển sang một trang mới, gần gũi hàng ngày với các cháu nạn nhân ở làng Hòa Bình 2, bệnh viện Từ Dũ.

30 cháu ấy, mỗi cháu một dạng tật bệnh khác nhau, cháu không chân tay, cháu chỉ có một cánh tay còn không có cẳng chân và tay, cháu mù hai mắt, cháu chân như con Kangaroo, cháu thì ủng thủy não đầu to như cái thúng, cháu không nói được chỉ rên la, bởi da thịt lở loét đau đớn từng ngày… Mỗi cháu tập cách chịu đựng nỗi đau cho cơ thể mình, nhưng vẫn tươi cười hồn nhiên, mỗi sáng đến trường đều đặn và có cháu nay đã thành đạt như nạn nhân Trần Thị Hoan, Trần Hồng Lợi, Nguyễn Mỹ Phương, bạn Nguyễn Đức đã lập gia đình và có hai con thật kháu khỉnh, cuộc sống gia đình ổn định.

Tôi nhớ như in trong những ngày theo chân đoàn Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội và đoàn cán bộ Trung ương Hội từ Hà Nội vào, những chuyến đi thực tế khám chữa bệnh cho nạn nhân và thăm nạn nhân ở Tây Nguyên, mỗi hoàn cảnh cứ xoáy vào ruột gan. Nỗi đau da cam cũng chính là nỗi đau chung của dân tộc, nỗi đau chất độc hoá học hằn sâu không biết đến đời nào mới chấm dứt được. Nhiều anh chị nằm trong cũi, cha mẹ cũng bị tâm thần, cả nhà cũng bị bệnh tật do di chứng da cam, gia đình khánh kiệt.

Nhìn lại chính mình thấy còn may mắn. Tôi còn đi lại được, nói được, nhưng bên cạnh đó còn biết bao nhiêu thân phận con người đang sống đời thực vật, họ không nói được, suốt ngày nằm bất động một chỗ phải cần người chăm sóc. Những nạn nhân tâm thần nặng đập phá, gây thương tích cho người thân hàng ngày, như con anh Trần Đăng Thuận ở huyện Cần Giờ, con ông Đinh Công Đắc ở Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Mỗi lần các con lên cơn động kinh là nhà cửa tan tành, bố mẹ đầy mình thương tích... Nhưng rồi, vì tình thương con, cha mẹ phải ngậm ngùi, ôm con dỗ dành và nuốt nước mắt.

Mai sau, còn bao lâu nữa mới hết sự day dứt này? Câu hỏi không lời đáp khi chia sẻ với chị Heather Bowner, người bạn Mỹ nạn nhân thế hệ thứ hai, cha là Cựu chiến binh, chị đã nắm tay tôi và nói: “Biết đến bao giờ nỗi đau này mới được chấm dứt?”. Chị đã không biết bao nhiêu lần rơi nước mắt trước những nạn nhân trẻ thơ đang nằm bất động được nuôi dưỡng ở Làng Hòa Bình, ở Thiên Phước và trên dọc dài đất nước Việt Nam mà gia đình, bạn bè của chị đã đến thăm...

Nạn nhân chất độc da cam/dioxin từng ngày vẫn kiên cường chiến đấu với bệnh tật, kiên trì đấu tranh với mặc cảm, khổ đau nghèo đói và đang từng bước khắc phục vươn lên để sống hoà nhập cộng đồng. Là người trong cuộc, tôi thấu hiểu nỗi đau này như đến tận cùng, tôi muốn gửi thông điệp này đến với tất cả mọi người thế giới biết rằng: chất độc da cam/dioxin của quân đội Mỹ có làm tàn lụi môi sinh nhưng không thể nào làm khuất phục ý chí vươn lên của con người.

Điều đó đã tỏ rõ ý chí hành trình công lý các nạn nhân tiêu biểu chị Nguyễn Thị Hồng, chị Nguyễn Thị Hiền, chị Trần Thị Hoan, bà Đặng Hồng Nhựt (Mỹ) anh Trần Ánh Minh, ông Mai Giảng Vũ tại Tòa án lương tâm thế giới Paris (Pháp) trong những chuyến đi Mỹ vận động dư luận thế giới.

Nạn nhân chất độc da cam hiến xác viết tâm thư - ảnh 3
Chị Nhí và Nguyễn Đức - cặp song sinh tách đôi Việt - Đức đầu tiên, tại một hội nghị điển hình toàn quốc.

Trong cuộc hành trình tuyệt đẹp tại xứ Hàn, đoàn 100 nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tôi cũng có mặt cùng chuyến đi suốt hành trình, vì đường cao dốc thẳng, tôi đành phải ngồi xe lăn để cho các Cựu Binh Hàn Quốc trợ giúp, tôi rất ái ngại vì các chú đã có tuổi, cũng là nạn nhân da cam, đôi lần tôi muốn xuống xe để đỡ vất vả cho ông, nhưng ông ngăn lại và nói: “Cô gái này bằng tuổi con gái tôi, tôi rất vui vì được đóng góp một phần trong cuộc hành trình này”.

Hành trình ngắn ngủi, nhưng đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp. Tôi nhớ mãi câu nói của ông Kim Seong Wook, Tổng thư ký Hội nạn nhân chất độc da cam Hàn Quốc trong buổi giao lưu tại Nhà hát lớn Sejong, Thủ đô Seoul:“Nỗi đau của các nạn nhân da cam Việt Nam hay Hàn Quốc đều làm nhức nhối mỗi trái tim người dù ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Vì vậy mọi người đều cần có trách nhiệm chữa lành nỗi đau này. Hội nạn nhân da cam Hàn Quốc sẽ làm tất cả những gì có thể để được đồng hành với nỗi đau của những nạn nhân Việt Nam... Cuộc chiến tranh thứ hai đối với mỗi người lính Hàn và Việt hôm nay là cuộc chiến với chất độc da cam mà tất cả chúng ta đều là đồng minh không biết lùi bước”.

Niềm tin mạnh mẽ trong tôi từ những khởi đầu khi đến với Hội, may mắn hơn khi được tiếp nhận tình thương từ cộng đồng xã hội và bè bạn năm châu, tiếp cho tôi thêm nghị lực sống. Tôi hy vọng thế giới ngày mai rồi sẽ không còn buồn đau hay bất hạnh, những nỗi đau da cam/dioxin sẽ được muôn vạn tấm lòng trên khắp hành tinh thấu hiểu, sẻ chia và cộng đồng có trách nhiệm, không ai nỡ đành quay lưng vô cảm trước nỗi đau của nhân loại nhất là đối với những người đã từng gây ra tội lỗi cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Niềm vui lớn nhất trong bước ngoặc thứ hai của cuộc đời mình là còn sống được ngày nào hãy cảm ơn ngày ấy, mỗi ngày hãy sống trọn một ngày, tận tụy với công việc nhằm mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người. Trong đó những người cùng cảnh ngộ là ưu tiên số một kế đến các em học sinh nghèo hiếu học.

Kết thúc hành trình, tôi muốn dành một phần ước nguyện riêng tư của mình cho cộng đồng xã hội, những nạn nhân da cam. Tôi không có tài sản riêng, không có gì để làm từ thiện, tôi chỉ có một tấm lòng, sau khi tôi qua đời phần thi thể sẽ cống hiến cho nghiên cứu khoa học, tiếp tục cứu sống cho người còn ở lại khi cần.                                                                                      

Phạm Thị Nhí

Giao lưu văn hóa sưu tập tem nhân dịp kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ

Chương trình Giao lưu văn hóa sưu tập tem sẽ giúp học sinh Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) thêm yêu quê hương đất nước, góp phần phát triển phong trào sưu tập tem trong trường học.

Nữ sinh Trường Newton và hành trình giành học bổng toàn phần đại học top đầu thế giới

Tháng Tư luôn là giai đoạn sôi động nhất của việc apply học bổng của các học sinh có khát vọng tìm kiếm những môi trường giáo dục lý tưởng trên phạm vi toàn cầu.

Kỷ nguyên chuyển đổi số và những định hướng cho con khi chuyển cấp

Vừa qua, Trường THCS- THPT Newton đã tổ chức hội thảo “Kỷ nguyên chuyển đổi số và những định hướng cho con khi chuyển cấp”.

Tuyển sinh 2022: Thí sinh trúng tuyển đại học xác nhận nhập học từ hôm nay

Từ hôm nay (18/9), Bộ GD&ĐT sẽ mở hệ thống để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến; hạn cuối xác nhận nhập học là 17h ngày 30/9/2022.

Sở GD-ĐT Hà Tĩnh triển khai phương án phòng, chống virut Corona

Sở GD-ĐT Hà Tĩnh vừa ban hành văn bản số 132/SGDĐT-CTTT gửi Trưởng phòng GD-ĐT các huyện, thị, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở; Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện về việc triển khai phòng, chống dịch bệnh do virut Corona gây ra.

Hải Phòng: Nhiều trường học "nhắc nhở" phụ huynh phòng chống vi rút Corona

Trong ngày 30, 31/1, nhiều trường học tại thành phố Hải Phòng đã có thông báo gửi đến phụ huynh, học sinh về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona.

Dọn phòng, bố ngỡ ngàng phát hiện Bộ luật “phải tuân chỉ” của con trai lớp 5

Một học sinh lớp 5 (ở Thanh Hóa) đã tự đề ra bộ luật 21 điều “phải tuân chỉ” riêng cho bản thân khiến cha mẹ vô cùng ngỡ ngàng.

Diễn biến mới nhất vụ hàng chục học sinh ở Đắk Lắk mang "hàng nóng" đi hỗn chiến

Vụ hàng chục học sinh tham gia chuẩn bị đánh nhau tại Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk đang khiến dư luận hết sức quan tâm. Tuy nhiên, các số liệu của nhà trường cung cấp cho báo chí và cơ quan chức năng đã "vênh" nhau một cách khó hiểu.

"Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 9 của Hà Nội đưa ra yêu cầu hoàn toàn phi lí"

Đó là chia sẻ của TS. Trịnh Thu Tuyết – nguyên giáo viên trườn THPT Chu Văn An (Hà Nội) về đề thi học sinh giỏi môn Văn lớp 9 của Hà Nội.

Xã hội càng "trí tuệ nhân tạo" sẽ càng cần "nhân văn số"

Ở Việt Nam, rô-bốt đã làm thay chức năng của nhân viên trong thư viện. Như vậy, để thấy viễn cảnh rô-bốt thay thế hoàn toàn con người trong một số lĩnh vực kỹ thuật không còn xa nữa. Nhưng nói như vậy, không có nghĩa là rô-bốt có thể thay thế mọi lĩnh vực...

Đang cập nhật dữ liệu !