Nam Định: Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong giáo dục
UBND tỉnh Nam Định đã ban hành công văn yêu cầu các sở, ngành, các địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đối với các dịch vụ công trong đó đẩy mạnh thanh toán học phí không dùng tiền mặt.
Theo đó, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố Nam Định căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo hiệu trưởng các trường học và Giám đốc các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn thành phố Nam Định phối hợp với các ngân hàng thương mại triển khai và thực hiện thu học phí, viện phí bằng phương thức TTKDTM.
Đối với khối trường học, căn cứ thời gian bắt đầu năm học mới 2020-2021 để triển khai cho phù hợp. Phấn đấu trong cuối năm 2020, 100% trường học, bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn thành phố Nam Định thanh toán học phí, viện phí qua ngân hàng.
Hướng dẫn thanh toán các dịch vụ công |
Theo chia sẻ của lãnh đạo một số cơ sở giáo dục, trong lĩnh vực giáo dục, thanh toán không dùng tiền mặt với các phương thức như quẹt thẻ, internet banking, ATM... giúp phụ huynh học sinh nộp các khoản phí của nhà trường thuận tiện. Phía nhà trường cũng nhanh chóng lập báo cáo các khoản phải thu, tiết kiệm thời gian, giảm rủi ro phát sinh trong các giao dịch tiền mặt như thừa thiếu, nhầm lẫn, tiền giả, tiền kém chất lượng… Tuy nhiên, thanh toán không dùng tiền mặt trong giáo dục vẫn gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn đầu tiên là thói quen sử dụng tiền mặt, đây là rào cản lớn nhất khi triển khai sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam nói chung và ngành giáo dục nói riêng.
Khó khăn thứ hai là sự không đồng bộ trong ứng dụng công nghệ thông tin tại các trường học, giữa các địa bàn. Do đó, dịch vụ thu hộ của ngân hàng theo giải pháp tự động kết nối phần mềm thanh toán hóa đơn với trường học chỉ phù hợp với số lượng ít các trường đại học quy mô lớn.
Thứ ba, ngân hàng phải đầu tư giải pháp công nghệ và mạng lưới đủ lớn để hệ thống thu/nộp học phí/hóa đơn đa kênh để thuận tiện cho người nộp, giúp việc thu nộp qua ngân hàng đem lại hiệu quả rõ rệt cả trường học và phụ huynh học sinh.
Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng đã yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện các quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng thương mại như sau:
Đối với các khoản thu học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản thu khác: Khẩn trương phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thu học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản thu khác;
Thực hiện công khai tài khoản của đơn vị và có hướng dẫn cụ thể về thanh toán qua tài khoản;
Lắp đặt các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS) hoặc mã thanh toán QRCode hoặc phần mềm trên điện thoại di động ... tại các cơ sở giáo dục và đào tạo để người học và gia đình người học dễ dàng, thuận lợi thanh toán học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản thu khác không dùng tiền mặt.
Đối với các khoản chi thanh toán cá nhân: tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, học bổng học sinh, sinh viên, tiền thưởng, phúc lợi tập thể, chi trả miễn giảm học phí, chi phí học tập, chi chế độ cho học sinh, sinh viên và người lao động thuộc diện chính sách, chi trợ cấp xã hội và các khoản thanh toán khác cho cá nhân đều thực hiện thanh toán bằng chuyển khoản tại kho bạc nhà nước nơi đơn vị nhận ngân sách nhà nước hoặc ngân hàng thương mại của đơn vị theo quy định về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Bộ GD&ĐT yêu cầu hạn chế các khoản chi giao dịch có giá trị lớn bằng tiền mặt mà phải thanh toán thông qua tài khoản lại ngân hàng thương mại hoặc tại tài khoản của kho bạc nhà nước của đơn vị, kiểm soát và hạn chế việc tồn quỹ tiền mặt tại cơ sở giáo dục và đào tạo.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cần triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, tích hợp dữ liệu với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán, cung cấp cho người học các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trên điện thoại di động. Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, trong đó lưu ý đến việc làm chủ dữ liệu và bảo mật thông tin riêng tư.
Hoàng Thanh