Năm 2030, Phú Yên sẽ trở thành tỉnh phát triển mạnh kinh tế biển ở Nam Trung Bộ
Phú Yên là một trong 28 tỉnh ven biển của Việt Nam, có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển.
Ngoài ra, Phú Yên có hệ thống giao thông tương đối thuận lợi, nằm trên trục Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam, có Quốc lộ 25, QL 29 nối với các tỉnh Tây Nguyên. Phía Nam có cảng biển Vũng Rô; sân bay Tuy Hoà kết nối TP.HCM và Thủ đô Hà Nội.
Thuận lợi hơn nữa, Phú Yên có điều kiện trở thành cửa ngõ hướng biển của vùng Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào cũng như Đông Bắc Campuchia và Thái Lan, trung tâm giao thương quốc tế lớn, tạo lợi thế trong kết nối, hợp tác, trao đổi kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh với các tỉnh, thành trong cả nước và quốc tế.
Nhận thức được vị trí, vai trò, tiềm năng đặc biệt quan trọng của biển đối với sự phát triển của tỉnh, trong nhiều nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Phú Yên đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm khai thác hiệu quả kinh tế biển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong đó phải kể đến Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh Phú Yên.
Tỉnh ủy Phú Yên cũng đã ban hành Chương trình hành động về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên, xác định mục tiêu tiếp tục xây dựng vùng biển và ven biển có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, là khu vực kinh tế đa ngành, đa chức năng; phấn đấu đến năm 2025, hoàn thiện nền tảng hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế biển chủ lực; đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, trên cơ sở phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Theo Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên Phạm Đại Dương, trong giai đoạn gần đây, công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển kinh tế biển bền vững được tỉnh đặc biệt quan tâm. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động 23-CTr/TU, ngày 26/3/2019 về thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, trong đó xác định mục tiêu đưa Phú Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ...
Nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh cụ thể hóa, đưa các nội dung của Nghị quyết 36-NQ/TW vào các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của nghị quyết đại hội và triển khai trong các chương trình hành động của Tỉnh ủy với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, hoàn thiện nền tảng hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế biển chủ lực; để đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, trên cơ sở phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Qua gần 4 năm triển khai thực hiện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ, cho hay, tỉnh đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tích cực tham gia bảo vệ quyền, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Theo đó, khu vực ven biển của tỉnh Phú Yên phát triển mạnh, là đầu tàu kinh tế của tỉnh với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10,5%/năm; thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, đóng góp trên 65% giá trị GDP và trên 75% ngân sách tỉnh.
Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, du lịch được quan tâm đầu tư tương đối đồng bộ, phục vụ tốt công tác thu hút đầu, phát triển kinh tế -xã hội khu vực ven biển. Hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển được đẩy mạnh. Sản lượng đánh bắt hàng năm trên 60.000 tấn, trong đó có cá ngừ đại dương trên 6.000 tấn có giá trị kinh tế cao.
Nuôi trồng thuỷ sản đã phát triển thành một nghề sản xuất chính, cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu khoảng 8.000 tấn/năm, với các loại hải sản có giá trị như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm, cá mú....
Công nghiệp ven biển từng bước phát triển; Khu vực ven biển của tỉnh đã hình thành 05 khu công nghiệp tập trung, tổng diện tích hơn 460 ha, đã có hơn 80 dự án đầu tư, tỉ lệ đăng ký đầu tư lấp đầy khoảng 77%.
Đặc biệt, Khu kinh tế Nam Phú Yên là một trong tám Khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước được đầu tư hạ tầng trương đối đồng bộ. Ngoài Cảng biển Vũng Rô được đầu tư, nâng cấp, tiếp nhận tàu có tải trọng đến 3.000 DWT, năng lực khai thác hàng hóa đến nay đạt hơn 700.000 tấn/năm, Phú Yên còn có quy hoạch Cảng biển nước sâu Bãi Gốc tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 tấn.
Hạ tầng phục vụ du lịch được chú trọng đầu tư, toàn tỉnh hiện có hơn 370 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, với hơn 6.000 buồng đạt tiêu chuẩn từ 4-5 sao; tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt khoảng 1,83 triệu lượt/năm…
Với những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong tỉnh nói chung và vùng biển, ven biển nói riêng. Kinh tế biển đã và đang trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên.Mặc dù hiện tại ngành du lịch biển chưa có những sản phẩm đặc trưng, nguồn nhân lực còn hạn chế; quản lý vùng nuôi trồng thủy sản chưa tốt, tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát ở một số địa phương vẫn còn diễn ra, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều rủi ro; khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển; các ngành kinh tế biển quan trọng, đột phá, công nghiệp ven biển, khu kinh tế của tỉnh phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng hiện có…
Vì vậy, theo đồng chí Lê Tấn Hổ, để tiếp tục thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) trên địa bàn tỉnh. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định sáu nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, trong đó nhiệm vụ trọng tâm, đột phá thứ tư là khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, trọng tâm là kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tin tưởng rằng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, với cơ hội của hội nhập quốc tế, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và với thời cơ của kinh tế biển, Phú Yên có nhiều tiềm năng, cơ hội, cũng như điều kiện để bứt phá, chuyển mình vươn lên, xây dựng tỉnh Phú Yên giàu mạnh, văn minh, từng bước hiện đại, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Nguyễn Vũ