Năm 2020: Hà Giang phấn đấu thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Ông Đỗ Tấn Sơn, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh Hà Giang cho biết, đến nay toàn tỉnh có 38/177 xã đạt chuẩn NTM.
Tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang), do điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nên toàn huyện hiện chưa có xã nào đạt chuẩn NTM; tuy nhiên, càng trong điều kiện gian nan, khó khăn thì càng thấy rõ quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và người dân trên địa bàn huyện trong xây dựng NTM.
Nổi bật là phong trào “Ngày thứ 7, cán bộ và nhân dân chung tay xây dựng NTM” được tổ chức thường xuyên và phát huy hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, huyện tổ chức phát động được hơn 170 lượt với trên 10.000 người tham gia; người dân đã hiến trên 3,5 nghìn m2 đất, đóng góp hơn 6.000 ngày công, mở mới và nâng cấp, sửa chữa hơn 15 km đường trục thôn, liên thôn.
Cùng với đó, huyện Mèo Vạc ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa cho người dân như: Các mô hình đa dạng hóa sinh kế; đầu tư có thu hồi; cải tiến đám tang trong vùng đồng bào dân tộc Mông…
Đặc biệt, trong năm 2020, huyện phấn đấu đưa xã Pả Vi về đích NTM; theo đó, Huyện ủy đã chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ và cơ quan chuyên môn của huyện trực tiếp phụ trách, giúp đỡ xã hoàn thành từng tiêu chí. Tính đến quý II.2020, xã Pả Vi đã đạt 14/19 tiêu chí.
Những con đường nông thôn mới ở Hà Giang |
Năm 2020, tỉnh Hà Giang phấn đấu có thêm 7 xã đạt chuẩn NTM; nhằm nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 45 xã. Hiện, các xã đang nỗ lực tranh thủ mọi nguồn lực để về đích theo kế hoạch của tỉnh, công cuộc xây dựng NTM tại 7 xã được lựa chọn về đích trong năm 2020 cũng có nhiều khởi sắc. Hiện nay các xã đều đạt từ 14 tiểu chí trở lên.
Được biết, trong giai đoạn 2010 - 2019, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình NTM của Hà Giang là trên 317,9 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước và vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, vốn tín dụng ưu đãi trên 279 tỷ đồng, vốn huy động từ các doanh nghiệp 17,8 tỷ đồng, vốn đóng góp của người dân trên 19,7 tỷ đồng…
Để triển khai chương trình xây dựng NTM tại các xã biên giới Hà Giang hiện nay, ngoài áp dụng sáng tạo các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Bộ tiêu chí XDNTM, trong đó có các chính sách đặc thù đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã vùng biên giới.
Cụ thể, tại Quyết định số 1670/QĐ – UBND, ngày14/08/2013 của UBND tỉnh Hà Giang áp dụng cho giai đoạn 2013 – 2020 đối với các xã thuộc vùng 30a và các xã, thôn bản thuộc diện đặc biệt khó khăn sẽ được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí để thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng hệ thống cấp thoát nước sinh hoạt, xây dựng các nhà văn hóa thôn bản…trong khi các xã khác chỉ được hỗ trợ 75% về kinh phí.
Bên cạnh đó, tại các xã biên giới, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, các chương trình về y tế và giáo dục được đẩy mạnh triển khai; ngoài ra, tỉnh Hà Giang cũng chỉ đạo việc lồng ghép các chương trình, dự án của Chính phủ tại các xã vùng đặc biệt khó khăn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM tạo nền tảng để thúc đẩy quá trình XDNTM tại các xã biên giới;
Cùng với đó là triển khai thực hiện các cơ chế và chính sách đặc thù nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân tại các xã biên giới; UBND tỉnh Hà Giang đã triển khai thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa giai đoạn 2016 – 2020” nhằm mở rộng thị trường thương mại tại các xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, trong đó có 32 xã biên giới…
Thời gian tới, để triển khai xây dựng thành công Nông thôn mới tại các xã biên giới, ngoài sự cố gắng của các cấp chính quyền, sự hưởng ứng và vào cuộc của các tầng lớp nhân dân và đồng bào dân tộc các xã biên giới, rất cần sự hỗ trợ về kinh phí của Nhà nước và sự quan tâm chỉ đạo của các Bộ, ngành của Trung ương để Chương trình XDNTM trên địa bàn của Hà Giang nói chung và các xã biên giới nói riêng sớm đạt được mục tiêu đã đề ra.
Hoàng Thanh