Năm 2014: Thủy sản thắng lớn
Theo báo cáo của Bộ NN & PTNT: Năm 2014, công tác quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản được các ban ngành quan tâm chỉ đạo sát sao, đặc biệt là các chính sách khuyến khích và hỗ trợ ngư dân đóng tầu công suất lớn đi khai thác vùng biển xa với nhiều nghề đánh bắt hiệu quả như lưới rê khơi, vây, pha xúc…cùng với yếu tố thời tiết thuận lợi đã mang lại những sản phẩm biển có giá trị kinh tế cao như: cá thu, cá ngừ, mực, cá cơm…
Trên bờ, các hoạt động thu mua, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá ngày càng được chú trọng đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch.
Ước sản lượng khai thác thủy sản cả năm 2014 đạt 2.918 ngàn tấn, tăng 4,1 % so với năm 2013, trong đó khai thác biển ước đạt 2.712 ngàn tấn, tăng 4 %.
Năng suất và sản lượng một số nghề khai thác tăng nên vụ cá năm nay đạt kết quả khả quan |
Đối với 3 tỉnh ven biển chuyên đánh bắt cá ngừ, sản lượng khai thác cá ngừ mắt to vây vàng cả năm 2014 tại Bình Định ước đạt 9.419 tấn, tăng 12,6% so với năm 2013, Phú Yên ước đạt cá ngừ đại dương khai thác khoảng 4030 tấn giảm 11%, Khánh Hòa ước đạt khoảng 5.164 tấn, giảm so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 12 năm 2014 ước đạt 348 ngàn tấn, tăng 14,5 % so với cùng kì năm trước, đưa tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản cả năm 2014 đạt 3.393 ngàn tấn, tăng 5,5 % so với năm 2013.
Tình hình sản xuất một số loài cụ thể có thể điểm mặt gồm cá Tra, tôm Sú và tôm thẻ chân trắng cũng phát triển rất tốt.
Về cá Tra: Diện tích nuôi cá tra của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cả năm 2014 ước đạt hơn 5.500 ha với sản lượng 1.116 ngàn tấn. Đầu năm 2014, giá cá tra bắt đầu có diễn biến khả quan, tuy nhiên dư âm từ vụ nuôi năm 2013 đã khiến nhiều hộ nuôi hoặc không đủ vốn hoặc trì hoãn quyết định thả nuôi năm 2014 để đợi những tín hiệu vững chắc hơn từ thị trường. Sau một thời gian giá cá tra tăng ổn định, nhiều hộ nuôi tiếp tục thả nuôi vụ mới, diện tích nuôi tăng mạnh kể từ tháng 10 đến nay và đã dần hồi phục gần bằng cùng kỳ năm ngoái cả về diện tích và sản lượng.
Hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang có sản lượng cá tra lớn nhất vùng nhưng sản lượng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, Đồng Tháp (-2%), An Giang (-8%). Chỉ riêng Hậu Giang, diện tích giảm 12% so với cùng kỳ, nhưng sản lượng lại tăng đáng kể, đạt 70.905 tấn, tăng 102% so với cùng kỳ nguyên nhân là do năm ngoái không được giá nên các hộ dân không thu hoạch, năm nay giá cá tra tăng nên các hộ thu hoạch nhiều.
Với tôm Sú, diện tích và sản lượng tôm sú vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2014 đều giảm so với năm trước. Diện tích nuôi tôm sú năm 2014 ước đạt 537 ngàn ha, giảm 4% so với năm 2013, sản lượng ước đạt 248 ngàn tấn, giảm 3%. Sóc Trăng là tỉnh có diện tích và sản lượng giảm nhiều nhất, diện tích giảm 35% và sản lượng giảm 28% so với 2013, nguyên nhân là do nhiều hộ đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng.
Cuối cùng là tôm thẻ chân trắng, loại tôm này mặc dù mới được du nhập vào Việt Nam từ năm 2001, đến nay nhưng phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển mạnh ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, do thời gian nuôi tôm thẻ chân trắng ngắn, đạt tỷ lệ thành công lớn, giá bán cao. So với tôm sú, tôm thẻ chân trắng có nhiều ưu điểm như thích nghi tốt với môi trường, khả năng chống chịu dịch bệnh và thời gian sinh trưởng ngắn hơn. Do đó, nhiều hộ nuôi tôm sú đang có xu hướng chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng sau một số vụ tôm sú thua lỗ. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2014 ước đạt 67 ngàn ha, tăng 68% so với năm 2013, sản lượng ước đạt 245 ngàn tấn, tăng 53%, trong đó: Sóc Trăng và Bến Tre là hai tỉnh có sản lượng lớn nhất vùng, đều tăng 31% so với năm 2013, cụ thể Sóc Trăng sản lượng đạt 66.400 tấn, Bến Tre sản lượng đạt 42.200 tấn.