Mỹ từ chối cung cấp thêm hệ thống tên lửa HIMARS cho Ukraine
“Bạn sẽ không thể nhận được nhiều hệ thống này. Bởi vì đơn giản là chúng không tồn tại với số lượng không giới hạn trên hành tinh Trái đất”, nguồn tin cho biết.
Theo các chuyên gia, chi phí cho mỗi bệ phóng khoảng 7 triệu USD, trong khi Ukraine tiêu tốn hơn 5.000 tên lửa mỗi tháng. Tuy nhiên, công ty Lockheed Martin chỉ sản xuất 9.000 tên lửa mỗi năm.
Nguồn tin chỉ ra rằng chính xác vấn đề tương tự cũng tồn tại với các hệ thống phòng không mà Kiev yêu cầu. Theo đó, vấn đề này liên quan đến kỹ thuật hơn là chính trị. Các nhà chức trách Mỹ không có đủ lực lượng phòng không dự phòng để chuyển chúng đến Ukraine.
Trước đó, Lầu Năm Góc hứa sẽ tiếp tục cung cấp đạn dược cho HIMARS của Ukraine.
Hôm 28/9, Mỹ thông báo tăng gấp đôi số lượng hệ thống tên lửa HIMARS được gửi đến Ukraine như một phần của gói viện trợ quân sự mới trị giá 1,1 tỉ USD.
Lầu Năm Góc cho biết, 18 hệ thống tên lửa HIMARS bổ sung, có độ chính xác cao và đã được Ukraine sử dụng để công phá các mục tiêu có giá trị lớn của Nga như sở chỉ huy và kho chứa đạn dược, sẽ được chuyển cho Kiev trong trung và dài hạn.
Theo quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, thay vì số vũ khí được lấy từ các kho dự trữ hiện có của Mỹ, gói viện trợ này sẽ bao gồm các loại khí tài mới được Washington mua sắm.
Đến nay, 16 hệ thống tên lửa HIMARS đã được Ukraine triển khai và các hệ thống tên lửa này đã được ghi nhận là đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc phản công gần đây của quân đội Ukraine.
Gói viện trợ mới nhất của Mỹ cho Ukraine cũng bao gồm 150 xe bọc thép, 150 xe tải và xe kéo và các hệ thống giúp Ukraine phòng thủ trước các máy bay không người lái được Nga triển khai trên chiến trường.
Theo Lầu Năm Góc, gói viện trợ này là "khoản chi viện kéo dài nhiều năm của Mỹ nhằm xây dựng sức mạnh bền bỉ của lực lượng vũ trang Ukraine".
Quan chức Lầu Năm Góc giấu tên cho biết riêng quá trình chuyển giao các hệ thống HIMARS cho Ukraine có thể "kéo dài vài năm".
HIMARS do Mỹ cung cấp cho Ukraine đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến hiện nay với Nga. Ngày 26/8, thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Ukraine đang sử dụng hiệu quả các bệ phóng tên lửa di động hạng nhẹ và các loại đạn dược tấn công chính xác do Lockheed Martin sản xuất.
HIMARS là pháo phản lực phóng loạt tự hành đặt trên khung gầm bánh lốp, được phát triển từ tổ hợp M270. Hệ thống HIMARS chuyển giao cho Ukraine được biên chế kíp vận hành ba người, có thể mang 6 quả đạn M31 cỡ nòng 227 mm với tầm bắn 80-90 km. Mỹ đã chuyển giao cho Ukraine 16 tổ hợp HIMARS cùng lượng đạn không được công bố chi tiết.
Ngoài đạn M31 đang được Ukraine sử dụng hiện nay, HIMARS còn có thể khai hỏa Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) với tầm bắn khoảng 300 km. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc không cung cấp ATACMS cho Ukraine vì lo ngại chúng có thể được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga và khiến khủng hoảng leo thang.
Hạ Thảo (lược dịch)