Mỹ tiếp tục đưa máy bay ném bom tối tân đến Biển Đông
Mới đây, Mỹ đã lần đầu tiên điều động ba oanh tạc cơ chiến lược tới châu Á nhằm trấn an các đồng minh trong khu vực trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động xây dựng trái phép trên Biển Đông.
Sự kiện này cũng diễn ra sau khi Tòa trọng tài Quốc tế ở La Hay đưa ra phán quyết khẳng định Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử ở Biển Đông, cũng như việc Hàn Quốc chấp nhận bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ nước này.
Máy bay ném bom B-2 Spirit của Mỹ. |
Theo các sĩ quan Không quân Mỹ, lực lượng này sẽ cử một máy bay Boeing B-52H, một phi cơ Rockwell B-1B và Northrop Grumman B-2A đến các căn cứ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương. Hiện Không quân Mỹ đang có một số lượng khá lớn máy bay B-52, hoạt động tại căn cứ Andersen trên đảo Guam từ năm 2006 đến nay.
Theo Không quân Mỹ, mục đích của động thái lần này là nhằm đẩy lùi những thế lực tiềm tàng trong khu vực. Mặc dù Trung Quốc không được nhắc đến trong tuyên bố của lực lượng này, song tốc độ phát triển quân sự chóng mặt của quốc gia này từ lâu được coi là vấn đề đáng lưu tâm với Mỹ. Hơn nữa, khu vực này đang ngày càng trở nên bất ổn sau một loạt cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Trong khi Triều Tiên từ lâu được Mỹ coi là hiểm họa lớn, việc Nhà Trắng tiếp tục cử máy bay ném bom tới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho thấy sự thay đổi về chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Trung Quốc, khi trước đó họ tập trung củng cố quan hệ ngoại giao và quốc phòng với các nước trong khu vực để tạo đối trọng với Trung Quốc thay vì trực tiếp triển khai quân đội.
Việc Mỹ điều động ba máy bay ném bom chiến lược hiện đại đã khiến Trung Quốc tức giận và Triều Tiên cảm thấy lo ngại. Theo hãng thông tấn AFP, Bình Nhưỡng đã chỉ trích Mỹ có âm mưu tấn công hạt nhân nhằm vào Triều Tiên.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.