Mỹ ‘lo sốt vó’ về các lò phản ứng hạt nhân bí mật của Trung Quốc
Popular Mechanics đưa tin, hai lò phản ứng nhanh 600 của Trung Quốc (CFR-600) đang được xây dựng ở tỉnh Phúc Kiến có thể được sử dụng để sản xuất plutonium cấp độ vũ khí.
Các lò phản ứng hạt nhân được lên kế hoạch phát điện vào năm 2023 và 2026. Công suất của một lò phản ứng sẽ là 1.500 Megawatt và lò còn lại là 600 Megawatt.
Theo tạp chí Mỹ, CFR-600 sẽ cho phép Trung Quốc sản xuất 1.270 đầu đạn hạt nhân vào năm 2030.
Mỹ ‘lo sốt vó’ về các lò phản ứng hạt nhân bí mật của Trung Quốc. (Ảnh: Globallookpress.com) |
“Washington và các đối tác nhấn mạnh vào sự minh bạch hơn ở Bắc Kinh về các cơ sở đang được xây dựng”, Popular Mechanics viết.
Theo Al Jazeera, đây là loại lò phản ứng tái sinh (Breeder reactor) có nghĩa là phản ứng hạt nhân của nó tạo ra nhiều vật liệu phân hạch hơn mức tiêu thụ. Điều này chính là nguyên nhân khiến cho các nhà khoa học trên khắp thế giới phải đau đầu.
Mục tiêu của hầu hết các nhà máy điện hạt nhân là sử dụng hiệu quả tối đa nhiên liệu, chứ không phải tạo ra nhiều nhiên liệu hơn. Điều này đặc biệt đúng khi lò phản ứng hạt nhân này tạo ra plutonium, một chất dễ biến thành vũ khí hạt nhân.
Trong lịch sử phát triển của điện hạt nhân, các nhà máy dùng lò phản ứng tái sinh sớm bị thay thế bởi những công nghệ tiên tiến và hiệu năng cao hơn. Các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Đức đã sớm khai tử dự án dùng Breeder reactor.
Tuy nhiên, Trung Quốc không nghĩ vậy. CFR-600 là lò phản ứng neutron nhanh làm mát bằng natri. Thay vì sử dụng nước, giống như hầu hết nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động trên thế giới, nó được làm mát bằng natri lỏng, với dải nhiệt độ rộng hơn và ít tương tác hơn nước.
Bên trong CFR-600 là một loại oxit hỗn hợp (MOX), được làm từ chất thải phóng xạ plutonium và uranium đã làm nghèo. Đây là bước tiếp theo trong quá trình phát triển công nghệ hạt nhân nội địa. Trung Quốc khởi động kế hoạch này từ 2003 với việc thiết kế Lò phản ứng nhanh thử nghiệm (CEFR).
Điều đặc biệt, thay vì phát triển trên nền tảng tiên tiến hơn như lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ, loại đang được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới với hiệu suất tốt, Trung Quốc lại chọn công nghệ tiêu tốn nhiều uranium hơn. Từ vài thập kỷ trước, Breeder reactor dần bị bỏ rơi do chi phí nhiên liệu cao.
Trước đó, vào tháng 12/2020, Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) thông báo HL-2M Tokamak “mặt trời nhân tạo” thế hệ mới của Trung Quốc đã đi vào hoạt động và đạt được phản ứng sinh năng lượng qua plasma đầu tiên.
Theo CNNC, thiết bị được lắp đặt ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên nêu trên được kỳ vọng sẽ cung cấp năng lượng sạch thông qua phản ứng tổng hợp hạt nhân có kiểm soát.
Giới khoa học Trung Quốc cho biết HL-2M Tokamak có thể mang lại nguồn năng lượng gần như vô hạn, nhưng tốn kém ít chi phí.
Dự án HL-2M Tokamak của Trung Quốc là một phần trong siêu dự án Lò phản ứng thí nghiệm nhiệt hạch quốc tế (ITER) có trụ sở tại Pháp, với các thành viên chính gồm Ấn Độ, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ, Nga, Nhật Bản và Trung Quốc.
ITER là dự án hợp hạch lớn nhất thế giới với chi phí lên đến 22 tỉ USD nhằm nghiên cứu kỹ thuật, công nghệ tổng hợp hạt nhân với mục tiêu đưa những kết quả nghiên cứu và thí nghiệm về vật lý plasma vào sản xuất điện năng quy mô lớn.
HL-2M Tokamak là thiết bị được chế tạo trong dự án thử nghiệm siêu dẫn do CNNC triển khai vào năm 2006. “Mặt trời nhân tạo” sẽ sản sinh nhiệt độ lên đến hơn 200 triệu độ C, cao hơn 13 lần sức nóng ở trung tâm Mặt Trời.
Nhà vật lý thiên văn công bố lỗi của Mỹ trong việc xác định UFO
Nhà vật lý thiên văn người Mỹ Adam Frank cho biết các vật thể bay không xác định (UFO) mà chính quyền Mỹ có thông tin thực tế có thể là máy bay không người lái của Nga hoặc Trung Quốc.
Thanh Bình (lược dịch)