Mỹ cần đóng vai trò gì ở Biển Đông, Hoa Đông?
Vừa qua, các quan chức cấp cao Trung Quốc và ASEAN đã nhóm họp tại Tô Châu, Trung Quốc để bàn về Bộ qui tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), cơ hội quan trọng để các bên tiến tới một hệ thống xử lí tranh chấp theo luật lệ cho khu vực.
Các quan chức ASEAN và Trung Quốc tại cuộc họp bàn về Bộ qui tắc ứng xử trên biển (COC) diễn ra tại Tô Châu, Trung Quốc ngày 15/9. |
Về vấn đề Biển Đông, Hoa Kỳ có thể không liên quan tới các cuộc họp như trên nhưng là quốc gia có lợi ích sâu rộng và lâu dài nếu các cuộc họp này đem tới kết quả tốt đẹp.
Trong những năm gần đây, Biển Đông và biển Hoa Đông là những điểm nóng ở khu vực châu Á với một loạt diễn biến đáng lo ngại. Các cuộc tranh chấp chủ quyền về các hòn đảo hay mỏm đá, mỏm san hô nhỏ có thể là những vấn đề quá xa xôi đối với người Mỹ nhưng đối với các quốc gia châu Á, đó là những vấn đề rất “sát sườn”.
Theo Thượng nghị sĩ Menendez, mặc dù Mỹ không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền, là một quốc gia thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nước Mỹ có lợi ích an ninh trong việc duy trì ổn định của khu vực. Mỹ còn có lợi ích trong việc đảm bảo tự do đi lại trên biển, tự do giao thương không bị cản trở, tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết các cuộc tranh chấp một cách hòa bình.
Các cuộc tranh chấp hàng hải ngày càng có dấu hiệu leo thang căng thẳng và thậm chí nguy cơ xung đột không phải là điều xa vời. Hồi đầu năm nay, có tin tàu hải quân Trung Quốc ngắm ra đa dẫn dường tên lửa vào tàu của Nhật Bản. Vừa qua, tàu của chính quyền Trung Quốc cũng tiến sát Bãi Cỏ Mây (thuộc Trường Sa – Việt Nam).
Việt Nam cho hay đã vài lần Trung Quốc quấy rối và thậm chí bắn vào các tàu đánh cá của Việt Nam. Hồi tháng Năm, một tàu đánh cá Đài Loan bị Lực lượng canh gác bờ biển Philippines bắn khiến một ngư dân thiệt mạng. Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền đang diễn biến rất căng thẳng, bất kì vụ việc nào tương tự hai vụ việc trên cũng có thể dễ dàng leo thang thành một cuộc xung đột.
Vậy Mỹ có thể làm gì để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và giúp các bên xử lý và giải quyết các cuộc tranh chấp hàng hải? Theo ông Menendez, để hướng đến một trật tự dựa theo luật lệ cho Biển Đông và biển Hoa Đông, cần thực hiện 5 nhiệm vụ dưới đây.
Trước tiên, điều quan trọng là tất cả các bên liên quan phải kiềm chế. Việc hành xử theo lối cưỡng chế, đe dọa hay dùng vũ lực để khẳng định chủ quyền phải bị phản đối và coi là những hành động không thể chấp nhận được.
Đây là nguyên tắc được thông qua theo Tuyên bố ứng xử trên biển (DOC) được Trung Quốc và ASEAN kí kết năm 2002. Mỹ phải tiếp tục ủng hộ ASEAN nhằm đạt được những tiến bộ có ý nghĩa để ASEAN và Trung Quốc tiến tới một Bộ qui tắc ứng xử (COC) có tính ràng buộc và thiết lập luật lệ cũng như các qui trình rõ ràng giúp giải quyết bất đồng. Các cuộc họp tại Tô Châu vừa qua là cơ hội quan trọng để Trung Quốc và ASEAN cho dư luận thấy họ có thể làm và sẽ đạt được các tiến bộ nhằm đạt mục tiêu trên.
Mỹ cần giúp ASEAN và Trung Quốc sớm tiến tới Bộ qui tắc ứng xử trên biển (COC). |
Thứ hai, việc Mỹ duy trì vị thế lãnh đạo ở châu Á có ý nghĩa vô cùng quan trọng và Mỹ nên ủng hộ các nỗ lực của các bên trong khu vực trong việc xây dựng một cơ chế xử lý khủng hoảng để bất kỳ hành động vô tình nào của các lực lượng vũ trang và bán vũ trang trong khu vực cũng không thể leo thang vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Vừa qua, việc Trung Quốc và Việt Nam lập đường dây nóng là một bước đi hoàn toàn đúng hướng.
Thứ ba, Mỹ cần nỗ lực gấp đôi trong việc hợp tác với các quốc gia thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhằm xây dựng một cơ chế giúp giải quyết tranh chấp thông qua các quá trình hợp tác ngoại giao phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được công nhận. Mỹ có thể không tham gia vào các cuộc họp giữa ASEAN và Trung Quốc nhưng có khả năng và nên hỗ trợ các bên trong việc xây dựng cơ chế hợp tác ngoại giao giúp giải quyết các tranh chấp hàng hải.
Thứ tư, Mỹ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ý thức an ninh hàng hải của khu vực bao gồm xây dựng hiểu biết về vùng lãnh hải. Mỹ có thể giúp đỡ trong việc xây dựng cơ chế hợp tác chung, các qui trình hoạt động, nâng cao hiểu biết về vùng lãnh hải và nâng cao năng lực kiểm soát lãnh hải.
Thứ năm, Mỹ nên tiếp tục khẳng định rõ sẽ luôn đứng bên cạnh các đồng minh và tuân thủ các cam kết theo hiệp ước. Mỹ phải tiếp tục thể hiện sự quan tâm tới khu vực này.
Các cuộc tranh chấp hàng hải ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương không phải là vấn đề của quá khứ mà là về tương lai của một khu vực đóng vai trò là tâm điểm cho sự phát triển kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21.
Là một quốc gia thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Hoa Kỳ có lợi ích then chốt trong việc hợp tác với tất cả các quốc gia trong khu vực để phát triển, xây dựng thể chế và duy trì một trật tự dựa theo luật lệ cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Điều đó có thể được bắt đầu bằng việc thực hiện một cơ chế giải quyết tranh chấp có hiệu quả đồng thời ủng hộ và khuyến khích giải pháp hòa bình cho các cuộc tranh chấp hàng hải ở châu Á – Thái Bình Dương.