Giá cổ phiếu MWG suy giảm mạnh, TGDĐ liệu còn phải đối mặt với những thách thức lớn nào?
CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) công bố doanh thu quý 3/2022 đạt 32 nghìn tỷ đồng (tăng 32% so với cùng kỳ, giảm 7% so với quý trước); lợi nhuận ròng đạt 907 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ, giảm 20% so với quý trước).
Trong đó, doanh thu quý 3 của chuỗi cửa hàng ICT & CE của MWG (bao gồm các cửa hàng Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và Topzone) đạt 24 nghìn tỷ đồng (tăng 59%). Doanh thu quý 3 của chuỗi cửa hàng bách hóa đạt 7,2 nghìn tỷ đồng (giảm 22% so với cùng kỳ).
Với mức cơ sở so sánh thấp của quý 3/2021, mức tăng trưởng lợi nhuận ròng 15% so với cùng kỳ trong quý 3/2022 được cho là thấp.
Nguyên nhân là do sự gia tăng chi phí tài chính và chi phí ghi nhận một lần liên quan đến việc đóng cửa các cửa hàng Bách Hoá Xanh (BHX) hoạt động không hiệu quả.
Đóng cửa tuần giao dịch vừa qua (11/11), cổ phiếu MWG tăng 1,53% và đạt 43.000 đồng/cp sau chuỗi phiên giảm giá liên tiếp.
Chỉ tính từ đầu tháng 11 tới nay, MWG đã rớt giá 16,66%, trong khi nếu tính từ tháng 10 thì MWG đã mất tới 32,81% thị giá.
Thậm chí, so với mức đỉnh giá được lập hồi tháng 4/2022, giá trị của cổ phiếu MWG đã giảm tới 46%.
Theo nhận định mới nhất của SSI Research đối với cổ phiếu MWG, giá cổ phiếu trong ngắn hạn có khả năng sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như thị trường bán tháo, diễn biến không tích cực liên quan đến việc tăng lãi suất, rủi ro trái phiếu mất giá trị (MWG nắm giữ 1,6 tỷ đồng trái phiếu thời điểm quý 3/2022).
Bên cạnh đó, việc người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho các sản phẩm tiêu dùng không thiết yếu trong bối cảnh áp lực lạm phát cũng là một trở ngại lớn cho tăng trưởng của MWG.
9 tháng đầu năm 2022, doanh thu và lợi nhuận ròng của MWG lần lượt đạt 102,8 nghìn tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ) và 3,48 nghìn tỷ đồng (tăng 4,3%), hoàn thành 73% và 55% kế hoạch năm.
Với tiến độ như vậy, MWG có thể khó hoàn thành kế hoạch năm nay, nhất là trong bối cảnh thị trường đang có nhiều diễn biến bất lợi.
Tính đến quý 3/2022, công ty có 1.116 cửa hàng TGDD (tăng 146 cửa hàng so với đầu năm), 2.246 cửa hàng Điện Máy Xanh (tăng 254 cửa hàng so với đầu năm, trong đó có 219 cửa hàng ĐMX Supermini) và 71 cửa hàng Topzone (tăng 61 cửa hàng so với đầu năm). Bên cạnh đó, công ty hiện có 1.727 cửa hàng Bách Hoá Xanh (giảm 379 so với đầu năm).
Ban lãnh đạo công ty cho rằng chi tiêu của người tiêu dùng trong quý 4 sẽ bị ảnh hưởng bởi áp lực lạm phát và khả năng suy thoái kinh tế.
Do đó, công ty ngừng mở mới cửa hàng trong thời gian tới để tập trung cắt giảm chi phí và đảm bảo thanh khoản trong bối cảnh tín dụng từ hệ thống ngân hàng bị thắt chặt.
Đáng chú ý, báo cáo tài chính quý 3 cho thấy công ty đã chuyển từ ghi nhận 124 tỷ đồng lãi từ hoạt động tài chính trong quý 3/2021 sang lỗ 86 tỷ đồng trong quý 3/2022 do phải chịu lãi suất vay cao hơn cũng như thời hạn vay dài hơn.
Mới đây MWG lên tiếng đính chính tin đồn về các khoản “đầu từ tài chính ngắn hạn”. Công ty cho biết, công ty có khoản đầu tư tài chính ngắn hạn trị giá 8.846 tỷ đồng bao gồm 7.235 tỷ đồng là các khoản tiền gửi tại các ngân hàng uy tín và không có vấn đề về thanh khoản, thời hạn còn lại từ 1 - 6 tháng và 1.611 tỷ đồng là các khoản đầu tư vào trái phiếu ngắn hạn. 100% trái phiếu Công ty đầu tư đến hạn thanh toán trong 1 - 3 tháng tới, đây là những trái phiếu có tài sản đảm bảo và cam kết mua lại từ đơn vị bảo lãnh theo hợp đồng. 80% danh mục đầu tư trái phiếu không liên quan đến ngành bất động sản, đây là trái phiếu của các ngân hàng quốc doanh, doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực tài chính, sản xuất, dịch vụ. 100% trái phiếu hoàn toàn không có mối quan hệ nào với các doanh nghiệp/tập đoàn và các ngân hàng/công ty chứng khoán đang được điều tra hay nhắc đến gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến các sai phạm trong phát hành trái phiếu. |
Hiền Anh