Muốn xóa bỏ tệ nạn bạo lực học đường, nhà trường cần làm gì?
Trường có phòng tham vấn tâm lý học sinh rất vui
Trường học là xã hội thu nhỏ của các học sinh. Những vấn đề xảy ra trong trường học sẽ có ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực trong việc hình thành nhân cách mỗi học sinh. Xu hướng bạo lực và thái độ trước việc bạo lực học đường đang trở thành vấn nạn trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Chính vì vậy, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội thảo xây dựng mô hình tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Phòng tham vấn tâm lý của trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. |
Để phục vụ cho các học sinh của mình, trường THPT Nguyễn Thị Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã mở một học, nhưng không phải để cho các em học mà là phòng tham vấn tâm lý học đường, được coi là nơi gỡ rối tơ lòng cho các em. Phòng này được coi như một thư viện nhỏ với những cuốn sách kể câu chuyện cuộc sống.
Em Nguyễn Ngọc Hoa rất vui khi nhà trường có phòng tham vấn tâm lý học đường. |
Em Nguyễn Ngọc Hoa, Học sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP Hà Nội cho biết: “Nhà trường có phòng tư vấn tâm lý cho học sinh, em cảm thấy rất vui. Mỗi khi đến đến phòng tư vấn tâm lý em gặp cô để hỏi cô về những vấn đề khúc mắc với bạn như tình cảm nam nữ, điều này rất khó nói với bố mẹ”.
Cô Trần Thị Thu Hà đang tư vấn cho các em học sinh. |
Cô Trần Thị Thu Hà - Phụ trách phòng tâm lý, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho biết: “Học sinh đến với phòng tham vấn của trường chủ yếu là các em có nhu cầu chia sẻ những vấn đề về tình cảm, mâu thuẫn với bố mẹ, khúc mắc với bạn bè… Có những em có vấn đề cần tư vấn về tình cảm, bị các ban gán ép, thường hỏi tôi là lúc đó em phải làm thế nào. Mới đầu thành lập phòng tư vấn thì các em cũng ngại, sau đó số lượng đến với phòng ngày càng đông hơn, nên các em không còn ngại nữa”.
Cuộc sống đặt ra phải có phòng tham vấn tâm lý
Theo các chuyên gia về tâm lý, khúc mắc của học sinh cần được điều chỉnh, giải tỏa kịp thời, nếu không sẽ rất dễ dẫn đến hậu quả đáng lo ngại như chán học, trầm cảm, bạo lực học đường…
Các em học sinh trường THPT Minh Khai, thường xuyên lên phòng tham vấn tâm lý đọc sách. |
Ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: “Có rất nhiều vụ bạo hành trong trường học, không chỉ có các em nam mà cả em nữ bị quấy rối, bị bắt nạt, nhưng không biết làm gì để chia sẻ những khó khăn của mình, như vậy dễ xảy ra tiêu cực. Bản chất của học sinh rất dễ xảy ra mâu thuẫn, có cả những mâu thuẫn hiện tại, học tập, sức ép gia đình… rất cần sự chia sẻ, mà không có một đội ngũ chuyên gia, không chia sẻ tư vấn được cho các em thì dễ xảy ra tiêu cực”
Trong hội thảo “xây dựng mô hình tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục phổ thông” vừa diễn ra có rất nhiều ý kiến cho rằng, việc thành lập các mô hình tư vấn là hết sức cần thiết, phải nhân rộng tại các trường và có chính sách phù hợp cho mô hình phát triển.
Các em tìm những cuốn sách tâm lý để đọc ở phòng tham vấn. |
Ông Nguyễn Đức Sơn - Trưởng khoa Tư vấn tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm Hà Nội nói: “Xu hướng là tất cả các trường cần phải có phòng tư vấn học đường, vì yêu cầu cuộc sống đòi hỏi phải có như thế, phải để mô hình được nhân rộng. Những người tư vấn tâm lý cũng phải được đào tạo đầy đủ và có cơ chế để hoạt động được hiệu quả".
Bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: “Cần có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa nhà trường với các tổ chức hội tâm lý". |
Bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: “Cần có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa nhà trường với các tổ chức hội tâm lý để hỗ trợ, bồi dưỡng những giáo viên đang làm công tác tư vấn và sẽ phải có văn bản, chính sách chế độ cho những người làm tư vấn tâm lý”.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo hi vọng rằng, những phòng tham vấn tâm lý tại các trường sẽ xóa bỏ được những hình ảnh bạo lực học đường như thế này. Để mỗi ngày đến trường của học sinh, là một ngày học, ngày vui và là một ngày an toàn.