Mùa ghe “ chạy”…Tết
Cuộc đời người dân xuồng ghe trên sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên ngược lên sông Tiền phía Campuchia, đi qua các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp… coi đây là mùa vui nhất trong năm, mùa ghe… chạy Tết.
Lênh đênh đời “gạo chợ nước sông”
Trời mới tờ mờ sáng, trên Cửa Hàm Luông – cửa thứ tư trong chín cửa của sông Cửu Long, tàu bè giới thương hồ đã tấp nập ngược xuôi. Như thường lệ, cứ vào khoảng đầu tháng 11 Âm lịch, những ghe tàu thương hồ này lại chuẩn bị mọi thứ thiết yếu cho ngày Tết, từ vải vóc, hoa kiểng, trái cây... sáng rực cả một khúc sông.
Xuôi ngược đâu đó lâu lâu lại xuất hiện những chuyến tàu khách, tàu du lịch chở những người khách Tây với máy ảnh lia lịa trên tay vẫy những chiếc ghe vào mua đồ trong sự thích thú. Những người trên ghe bắt đầu bán những thứ chở theo, và đưa tay vẫy chào khi bán xong một món hàng nào đó. Lũ trẻ con đang ríu rít nô đùa trong ghe cũng cố nhoài người ra cửa ghe đưa tay lên vẫy vẫy.
Xóm nhà ghe nơi chúng tôi ghé thăm nằm trên một khoảng sông rộng lớn, sát bên một cù lao đang được bồi đắp. Hai bên bờ sông bị sạt lở nặng khiến mặt sông càng thêm rộng. Gọi là xóm cho oai chứ thực ra chỉ có vài chiếc ghe neo đậu lại, quan hệ chỉ là hàng xóm đậu ghe cùng trên khoảng sông chứ thực sự họ là dân tứ xứ, nhà là ghe nay đây mai đó theo con nước, nhánh sông.
Chị Nguyễn Thị Bế, thành viên của xóm ghe, khoảng 30 tuổi, có chồng và 2 đứa con. Họ gặp nhau cũng từ những chiếc ghe trên sông rồi cưới nhau cách đây 10 năm. “Hai vợ chồng tôi quê Vĩnh Long, từ nhỏ tới lớn đã sống trên ghe cùng cha mẹ đi bán nay đây mai đó. Sau đó gặp chồng tôi cũng cùng hoàn cảnh nên thương nhau về sống cùng nhau. Hai vợ chồng lên bờ cất nhà ven sông. Tuy nhiên, trận lũ năm 2009 ghé qua làm sạt lở dần rồi gặm hết đất và cuốn mất căn nhà. Cuối cùng hai vợ chồng quyết định mua riêng một chiếc ghe xuống sông mà sống”, chị Bế kể.
Cũng như bao gia đình khác đang sống trên những chiếc ghe rải khắp những nhánh sông miền Tây, những phận đời ghe mưu sinh chủ yếu bằng nghề buôn bán trên sông. Ngược về mạn Vĩnh Long thì buôn trái cây, xuôi về miền Đồng Tháp thì buôn hoa... kèm theo hàng tạp hóa bán cho người dân bè sống ven sông. Những chiếc ghe cũng là những căn nhà nổi. Khi nước dâng, ghe cũng dâng theo. Những đứa trẻ cũng cứ như vậy mà lớn lên theo mùa con nước lên.
Ngày ngày vợ chồng anh Tòng, chị Phi lại lênh đênh qua các nhánh sông. Anh cầm lái, còn chị ngồi mái ghe bán hàng. Ghe của anh chị rất nhỏ, chỉ chở được hơn chục ký hoa quả, ít dầu gội đầu, chút vải vóc, quần áo, xà bông... Trước kia hai vợ chồng chủ yếu bán hàng trên chợ nổi nhưng vì ở đó sông chật ghe đông nên anh chị quyết định gửi con cái lại cho ông bà nội rồi xuôi ngược qua các vùng bán hàng trên sông. “Nhớ con lắm mà không biết làm sao. Lâu lâu được nghỉ hè đưa tụi nhỏ lên chơi cùng nhưng cũng lo canh chừng sông nước. Rồi hết hè lại đưa con về gửi nội nuôi”, chị Phi nói.
Vợ chồng anh Tòng chỉ ước gia đình được đoàn tụ. Nhìn những vật phẩm treo trên mạn thuyền, chị Phi thở dài: “Về quê giờ cũng chẳng biết làm gì sống. Lại càng không thể để đời con lênh đênh trên ghe như ba mẹ nó được”.
Mùa ghe chở Tết
Lênh đênh theo ghe của anh Nguyễn Văn Sơn về vùng Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp lấy hàng Tết để chở lên mạn Ngã Năm (Sóc Trăng). Mặt hàng anh lấy đợt này ngoài xà bông, vải vóc ghe anh còn chất đầy những thùng bia, nước ngọt, giày dép... những đồ phục vụ cho Tết Nguyên đán.
Với “thâm niên” 10 năm lênh đênh trên các vùng chợ nổi dù mới 35 tuổi, anh Sơn chia sẻ: “Những tháng giáp Tết này là tháng làm ăn của dân ghe chợ, lúc này phải treo thêm cây bẹo trên đầu ghe. Khách nhìn đó mà tự biết ghe bắt đầu bán đồ Tết vì ở đây khách mua rất sớm bởi cả tháng ghe mới đi qua vùng một lần nên dân ven sông, đặc biệt là dân nhà bè cá mua hàng Tết của chúng tôi”.
Những phận đời ghe mưu sinh trên sông nước miền Tây. |
Hàng Tết sẽ được các ghe chở đi bán khắp nơi và giá sẽ cao hơn chút, nhất là các loại bia, nước ngọt, quần áo... Những chuyến ghe đầu này chỉ chở đồ khô và nước uống. Giáp Tết, nhà ghe sẽ chở rau, củ quả... những vật trang trí trên bàn thờ trưng bày trong mỗi gia đình. Với người dân sống trên sông, hàng hóa mà các ghe này mang tới như món hàng hóa quý giá vì họ chỉ có thể mua từ những ghe chở Tết này.
Cũng như anh Sơn, ghe của đôi vợ chồng Hùng, Huyền sau một ngày gom đủ hàng hóa cần thiết bắt đầu nổ máy hướng vùng Bến Tre. Trên ghe ngoài những thứ cần thiết, năm nay là năm thứ 3 hai vợ chồng anh Hùng chạy hàng Tết nên vợ chồng anh chị chủ yếu bán hạt dưa, mứt và giày dép. “Mỗi năm ghe chỉ chạy được hai đợt hàng Tết nên cần phải bán khẩn trương để còn kịp về sắm Tết nhà mình. Năm đầu tiên vì chưa quen nên hai vợ chồng phải ăn Tết trên ghe vì không về kịp Tết và hàng không bán hết”, anh Hùng nói.
Cũng theo anh Hùng, cứ khoảng từ 15 tháng Chạp, ghe xuồng trên các nhánh sông tấp nập lên xuống hàng phục vụ cho dịp Tết. Những ngày này, giá hàng hóa trên chợ nổi cũng cao hơn ngày thường một chút, nhất là các loại rau, củ, quả và hoa để trưng bày trong gia đình. Song so với chợ trên đất liền, hàng trên ghe vẫn có giá rẻ hơn.
Sau hơn một ngày trời lênh đênh cùng các nhà ghe, chúng tôi chia tay họ để lên bờ nhưng vẫn nhớ lắm những chiếc xuồng ghe neo đậu trên sông đang kết nối những mảnh đời sống kiếp thương hồ.