Mờ mắt hẳn sau cơn tăng huyết áp: Suýt mù vì chủ quan
Sau cơn tăng huyết áp, bà N. bỗng mờ mắt nên đã đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám. Các bác sĩ cho biết bà bị biến chứng về mắt do tăng huyết áp.
Các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã xử lý, điều trị kịp thời cho trường hợp bà N.T.N. 67 tuổi, ngoại thành Hà Nội. Bà N. có tiền sử tăng huyết áp 10 năm điều trị thường xuyên bằng thuốc uống hàng ngày.
Khoảng 1 tháng trước, bệnh nhân có cơn tăng huyết áp lên 200/80 mmHg, sau đó cảm giác mắt kém dần. Ba ngày trước khi đến bệnh viện khám, bệnh nhân thấy nhìn mờ hẳn nên đi kiểm tra.
Thạc sĩ, BSNT Hoàng Thanh Tùng – Khoa Mắt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết khi khám lâm sàng bệnh nhân có giảm thị lực trầm trọng, nhãn áp bình thường ở cả hai mắt. Không có dấu hiệu tổn thương đồng tử hướng tâm, bán phần trước không có gì đặc biệt ở hai mắt.
Khám bán phần sau thấy mắt trái có các biến đổi võng mạc đặc trưng trong bệnh tăng huyết áp như: hoàng điểm mất ánh trung tâm, động mạch co nhỏ tỏa lan, ánh động mạch rộng, bắt chéo động tĩnh mạch, xuất huyết võng mạc; gai thị cương tụ, sưng gai thị, bờ gai xóa mờ, xuất huyết cạnh gai. Võng mạc mắt phải có co động mạch tỏa lan, hoàng điểm mất ánh trung tâm.
Chẩn đoán xác định: bệnh nhân có bệnh võng mạc tăng huyết áp giai đoạn ác tính ở mắt trái và giai đoạn nhẹ ở mắt phải.
Hình ảnh mắt của bệnh nhân bị tổn thương |
Bệnh nhân được hội chẩn với Trung tâm tim mạch - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và nhập viện theo dõi do có nguy cơ xuất hiện các biến cố toàn thân như đột quỵ, nhồi máu cơ tim và tử vong.
Huyết áp đo được khi vào viện là 140/80 mmHg. Kết quả Holter 24 giờ cho thấy huyết áp tăng 50% thời gian đeo máy. Các bác sĩ cho điều trị thuốc hạ áp.
Sau 3 ngày, huyết áp của bệnh nhân được kiểm soát tốt, thị lực có dấu hiệu cải thiện. Một tuần sau nhập viện, khám lâm sàng cho thấy gai thị đỡ sưng, bớt cương tụ, bờ gai rõ trở lại, thị lực bệnh nhân phục hồi đáng kể huyết áp ổn định.
Theo bác sĩ Tùng bệnh võng mạc do tăng huyết áp là một biến chứng của tăng huyết áp mạn tính bên cạnh các cơ quan đích khác như tim, não, thận. Bệnh được chẩn đoán dựa trên các biến đổi của võng mạc gồm: co động mạch, xơ cứng động mạch (ánh động mạch rộng, dấu hiệu dây bạc, dấu hiệu dây đồng), bắt chéo động - tĩnh mạch, xuất tiết bông (do nhồi máu lớp sợi thần kinh võng mạc), xuất tiết cứng/sao hoàng điểm (lipid thoát quản khỏi lòng mạch) và sưng gai thị.
Bệnh cần được phân biệt với biến đổi của võng mạc trong các bệnh lý khác như: Đái tháo đường, Bạch cầu cấp, Xuất huyết giảm tiểu cầu, Lupus, Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn…
Nếu tăng huyết áp không được kiểm soát tốt, bệnh sẽ tiến triển nặng gây thiếu máu, tắc tĩnh mạch võng mạc và làm tổn hại trầm trọng thị lực.
Tình trạng võng mạc là một chỉ dấu đặc hiệu giúp theo dõi hiệu quả kiểm soát huyết áp. Tăng huyết áp không được điều trị ổn định sẽ làm xuất hiện biến đổi võng mạc hoặc khiến tổn thương cũ tiến triển nặng lên.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu đã chỉ ra mỗi biến đổi của các giai đoạn bệnh võng mạc tăng huyết áp đều có giá trị tiên lượng khả năng xuất hiện các biến cố toàn thân. Những đối tượng có xuất huyết võng mạc và xuất tiết bông có nguy cơ tiến triển đột qụy trong vòng 3 năm kế tiếp tăng lên 2 - 4 lần kể cả khi huyết áp cũng như các yếu tố nguy cơ tim mạch khác đã được kiểm soát tốt.
Ngoài ra, những bệnh nhân có xuất huyết võng mạc, xuất tiết bông cũng có nguy cơ tiến triển suy tim xung huyết tăng lên 2 lần và nguy cơ tiến triển suy thận cao hơn so với những bệnh nhân chưa có biến đổi võng mạc.
Khánh Chi