Mô hình quản lý mạng lưới các trường sư phạm còn nhiều bất cập
Liên quan đến vấn đề quản lý các trường sư phạm hiện nay, Giáo sư Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Bộ GD&ĐT cần quản lý chặt hơn nữa về chỉ tiêu đào tạo giáo viên. Nói cách khác, cần tăng cường quản lý nhà nước tập trung đối với đào tạo giáo viên.
Bối cảnh hiện nay đòi hỏi thay đổi về đào tạo nguồn nhân lực, đó là chuyển từ số lượng sang chất lượng. Do đó, cần dựa trên chuẩn chất lượng trong đào tạo giáo viên.
Đào tạo giáo viên là một quá trình liên tục theo chuỗi, do đó cần quan tâm đến xây dựng các chương trình bồi dưỡng thường xuyên. Điều này liên quan đến các yếu tố, các nút trong mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên, đó là: Các trường sư phạm (cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục), các viện nghiên cứu giáo dục, các cơ sở giáo dục ở địa phương.
Sự gắn kết này thể hiện trong các hoạt động như phát triển chương trình, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, nghiên cứu khoa học giáo dục,….
Bộ GD&ĐT cần xây dựng được các cơ chế, chính sách, chuẩn chất lượng để tạo ra nguyên tắc ‘bình thông nhau’ trong chia sẻ nguồn lực”.
GS. Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam. |
Theo GS. Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng: "Về hướng đi cho các trường đào tạo giáo viên, tôi nghĩ rằng, một hướng đi để phát triển đối với các trường sư phạm địa phương hiện nay là cần định hướng phát triển thực hiện tự chủ.
Nhận tự chủ thì đương nhiên chịu thử thách về sự tồn tại vì không nhận ngân sách nhà nước.
Cả nước có trên 113 cơ sở đào tạo giáo viên thuộc nhiều cấp học và có mô hình khác nhau.
Nếu tập trung đầu mối các trường sư phạm về Bộ GD&ĐT sẽ dẫn tới tình trạng quá tải và không đúng với chức năng chính của Bộ là quản lý về chuyên môn, giảm khả năng mở rộng xã hội hóa trong giáo dục nói chung, bao gồm cả đào tạo sư phạm.
Việc trao thêm quyền tự chủ cho các địa phương có khả năng dẫn tới sự buông lỏng về quản lí chuyên môn khiến chất lượng đào tạo không được bảo đảm. Đó chính là một trong những bất cập trong mô hình quản lý các trường sư phạm hiện nay".