Mở chuyên mục giáo dục lý tưởng, đạo đức cho HS-SV trên Hệ tri thức Việt số hóa
Một trong những dự án đang được triển khai trên Hệ tri thức Việt số hóa là dự án Giáo dục số với mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái giáo dục trên Hệ tri thức Việt số hóa (Ảnh minh họa: Thái An) |
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo gửi 2 Bộ GD&ĐT, KH&CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc triển khai Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hóa.
Thông báo nêu rõ, để tiếp tục triển khai Đề án Hệ tri thức Việt số hóa cấu phần liên quan đến giáo dục đào tạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT đưa thông tin, dữ liệu về cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông lên Hệ tri thức Việt số hóa.
Các thông tin, dữ liệu về cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông được yêu cầu đưa lên Hệ tri thức Việt số hóa gồm có: thông tin cơ bản về nhà trường (tên trường, địa chỉ, website); số liệu thống kê về lớp học, học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý (hiệu trưởng, hiệu phó, tổng phụ trách Đội…), cơ sở vật chất nhà trường; ít nhất 5 ảnh gồm cổng trường, quang cảnh toàn trường, phòng học bộ môn, nhà vệ sinh…
Sau khi dữ liệu nhà trường được đưa lên, trong thời gian 1 tuần, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm chỉ đạo các nhà trường rà soát, xác nhận và cập nhật thông tin nêu trên.
Bộ GD&ĐT cũng được yêu cầu mở chuyên mục về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa đối với học sinh, sinh viên trên Hệ tri thức Việt số hóa. Cụ thể, Bộ GD&ĐT cần rà soát, tập hợp và đưa lên Hệ tri thức Việt số hóa nội dung liên quan đến giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa đối với học sinh, sinh viên theo đúng các quy định; đồng thời phát động kêu gọi các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tham gia xây dựng, đóng góp nội dung và khai thác, sử dụng, phổ biến đến học sinh, sinh viên, phụ huynh và cộng đồng.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT phát động, đẩy mạnh thu thập, huy động các nguồn lực doanh nghiệp, xã hội, giáo viên tham gia xây dựng, đóng góp các bài giảng e-learning, học liệu số, thí nghiệm ảo, phần mềm mô phỏng để từng bước đổi mới nội dung, phương pháp dạy – học, nhất là đổi mới phương pháp thực hành, thí nghiệm bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT còn được chỉ đạo phải phát huy những kết quả tích cực của các tổ chức, cá nhân đã đóng góp cho ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm trong thời gian qua. Theo đó, tập trung phát triển ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm nhằm đẩy mạnh giải pháp đổi mới nội dung, phương pháp dạy – học và đưa nội dung này vào các hoạt động phong trào của Bộ GD&ĐT; phát động giáo viên, học sinh và toàn xã hội ham gia đóng góp vào ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm và có cơ chế vinh danh, động viên phù hợp.
Bên cạnh việc cập nhật, cung cấp thông tin về hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, Bộ GD&ĐT còn được yêu cầu đưa thông tin về học sinh, sinh viên đoạt giải các kỳ thi Olympic, nghiên cứu khoa học, tấm gương người tốt - việc tốt trong ngành giáo dục lên Hệ tri thức Việt số hóa.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ GD&ĐT phân công cụ thể đầu mối từng công việc nêu trên và gửi về Bộ KH&CN - cơ quan thường trực của Đề án Việt số hóa, đồng thời khẩn trương triển khai và hoàn thành để chính thức phát động tại Lễ ra mắt một số ứng dụng cho Đề án Hệ tri thức Việt số hóa dự kiến sẽ có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 5/2019.
Sau hơn 1 năm triển khai Đề án Hệ tri thức Việt số hóa, trên trang itrithuc.vn đã hình thành hệ thống nền tảng với các chức năng và công cụ cho phép thu thập, xử lý và chia sẻ các dữ liệu dùng chung trong cộng đồng người Việt. |
Liên quan đến việc phát triển Hệ tri thức Việt số hóa, tại Nghị quyết 23 phiên họp thường kỳ tháng 3/2019 mới ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ KH&CN hoàn thiện, đẩy mạnh triển khai Đề án Hệ tri thức Việt số hóa. Phát huy vai trò Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới công nghệ, tinh thần đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, khơi thông nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt hồi tháng 5/2017. Đề án này hướng tới mục tiêu xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa thông qua việc tổng hợp, hệ thống hóa, việt hóa, số hóa, lưu trữ và phổ biến tri thức trong mọi lĩnh vực, trước hết là hỗ trợ cho giáo dục đào tạo, đổi mới sáng tạo và các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như pháp luật, y tế, kỹ thuật sản xuất...; Tạo môi trường thuận lợi thu hút mọi người dân và doanh nghiệp tham gia, với vai trò vừa khai thác vừa đóng góp để làm giàu các tài nguyên tri thức số hóa của người Việt.
Là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ là đơn vị thường trực điều phối chung Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa”, sau hơn 6 tháng tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chuẩn bị Đề án, từ ngày 1/1/2018, Bộ KH&CN đã chính thức khởi động Hệ tri thức Việt số hóa tại địa chỉ https://itrithuc.vn/ để giới thiệu Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” tới các bộ, ngành, địa phương và đông đảo công chúng, đồng thời phát động tất cả mọi người cùng tham gia đóng góp cho Hệ tri thức Việt số hóa.
Sau hơn 1 năm triển khai Đề án, Bộ KH&CN cho biết, trên Hệ tri thức Việt số hóa đã hình thành hệ thống nền tảng với các chức năng và công cụ cho phép thu thập, xử lý và chia sẻ các dữ liệu dùng chung trong cộng đồng người Việt như: Dữ liệu bản đồ số Việt Nam; Dữ liệu tiếng nói tiếng Việt; Giáo dục số, trong đó có ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm và bài giảng trực tuyến; Dữ liệu nông nghiệp, y tế, văn hóa…