Malaysia: Chúng tôi không quan tâm đến tranh chấp Biển Đông
Trên tờ Bloomberg, một bài báo đưa thông tin về bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Hussein trong một cuộc phỏng vấn tại Brunei hôm 28/8 rằng Malaysia không cảm thấy lo lắng về việc các tàu tuần tra Trung Quốc thường xuyên qua lại trong khu vực biển gần quốc gia này.
Hồi tháng Ba vừa qua, tàu của lực lượng Hải quân Trung Quốc đã đến bãi ngầm James ngoài khơi Malaysia, gần nơi Công ty dầu khí hoàng gia Shell Hà Lan (RDSA) và Công ty dầu khí Petronas của Malaysia đang có các hoạt động khai thác dầu và khí chung.
“Bạn có kẻ thù, không có nghĩa kẻ thù của bạn cũng là kẻ thù của tôi”, Hishammuddin cho biết bên lề các cuộc họp trong Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Ông cho biết thêm Mỹ hay Trung Quốc “có thể tuần tra mỗi ngày (ở khu vực biển của chúng tôi), miễn mục đích của họ không phải là để đi đến chiến tranh”. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia còn khẳng định: “Tôi tin rằng giữa chúng ta có mức độ tin tưởng đủ để không phải thay đổi cảm xúc hay các quyết định chính trị hằng ngày”.
Malaysia là một trong 6 nước có lợi ích liên quan đến Biển Đông – khu vực đang vướng vào tranh chấp giữa nhiều quốc gia, đặc biệt là các tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi của Trung Quốc.
“ASEAN bị chia rẽ trong tranh chấp Biển Đông bởi các thành viên có lợi ích khác nhau trong vùng biển này, và mối quan hệ của họ với Trung Quốc cũng khác nhau”, tờ Bloomberg trích lời Ian Storey, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, “Việt Nam và Philippines xem đó là mối quan tâm an ninh quốc gia đặc biệt quan trọng, trong khi Malaysia và Brunei luôn luôn muốn giảm nhẹ căng thẳng”.
Mối quan tâm của Hoa Kỳ
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (trái) tại hội nghị bên lề ADMM+ ở Brunei, ngày 28/8/2013 |
Hôm nay (29/8), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã gặp gỡ đồng cấp của mình ở các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong hội nghị chính thức của ADMM+. Ông Hagel đã nói với các bộ trưởng rằng ông quan tâm đến sự gia tăng các sự cố hàng hải và căng thẳng ở Biển Đông.
“Các hoạt động trên biển nhằm thúc đẩy tuyên bố chủ quyền không làm tăng lên các yêu cầu pháp lý của bất kỳ bên nào”, ông Hagel cho biết, “Thay vào đó, họ làm tăng nguy cơ đối đầu, phá hoại sự ổn định trong khu vực, và làm mờ các triển vọng ngoại giao”.
Bloomberg cũng đã trích dẫn các phát biểu của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sau khi gặp gỡ Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul tại Bắc Kinh hôm nay: “Tình hình ở Biển Đông là ‘ổn định’. Sự ổn định đó không hề đến một cách dễ dàng và chúng tôi trân trọng nó”. Ông Vương tiếp tục khẳng định: “Không có vấn đề thực sự nào với sự tự do hàng hải ở Biển Đông ở hiện tại, trong tương lai cũng vậy”.
Lựa chọn hợp tác
Malaysia đang xem xét hợp tác trong việc phát triển các nguồn tài nguyên dầu khí với Trung Quốc trong khu vực, ông Hishammuddin cho biết trong cuộc phỏng vấn với tờ Bloomberg.
“Những người bạn ở ASEAN nên biết về những ai có lợi ích trong khu vực. Nếu họ muốn phản đối, tôi muốn biết tại sao lại phản đối”, ông Hishammuddin nói, “Nếu họ chỉ phản đối vì quyền lợi được phản đối, điều đó không có ý nghĩa”.
Theo Tập đoàn Khai thác dầu khí đại dương của Trung Quốc ước tính, Biển Đông hiện đang tích trữ lượng dầu khí tự nhiên gấp 5 lần so với ngoài khơi nước Mỹ. Trong tháng Sáu, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã kêu gọi các bên cùng phát triển các nguồn tài nguyên nhằm tránh xung đột và ngăn chặn "các quốc gia ngoài khu vực" tham gia vào lợi ích khu vực.
Ông Najib cũng đã lấy ví dụ về khu vực phát triển chung trong vùng biển tuyên bố chủ quyền của Thái Lan và Malaysia, nói rằng đây có thể là một tiền lệ nên được áp dụng ở Biển Đông.
Hội nghị ở Brunei
“Trung Quốc tỏ ra miễn cưỡng trong việc tìm sự đồng thuận về bộ quy tắc ứng xử (COC) với các thành viên ASEAN, bởi COC quy định cho toàn bộ vùng Biển Đông – nơi Trung Quốc muốn tuyên bố chủ quyền”, ông Arthur Ding, một nhà nghiên cứu tại Học viện Quan hệ Quốc tế tại Đài Loan nhận định.
Chủ nhà Brunei, quốc gia cũng có các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, đã đề nghị thiết lập một đường dây nóng nhằm giải quyết các tranh chấp trong vùng biển. Điều này đã từng được thảo luận vài tháng trước khi ASEAN tìm các biện pháp ngăn chặn xung đột. Ngoài đường dây nóng, còn có các biện pháp khác như không sử dụng vũ lực giải quyết xung đột, không tổ chức tập trận nhằm tránh va chạm.
Theo các quan chức Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sẽ tới thăm Việt Nam trong năm tới theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Ông Hagel cũng đã gặp người đồng nhiệm từ Myanmar trong các cuộc đàm phán ở Brunei vào hôm qua, cuộc họp đầu tiên của các quan chức quốc phòng hàng đầu hai nước trong vòng 20 năm qua.