Lý do khiến tỷ lệ người béo phì ở Nhật Bản cực thấp
Mặc dù là một quốc gia châu Á, nơi mà vóc dáng nhỏ nhắn là nét đặc trưng của người dân bản địa so với các khu vực khác trên thế giới, tuy nhiên không phải ngẫu nhiên Nhật Bản lại có tỷ lệ dân số béo phì cực thấp. Điều đó xuất phát từ một loạt các nguyên nhân khác nhau, trong đó văn hóa ẩm thực là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Các nhà khoa học tin rằng lý do chính khiến người Nhật mảnh mai không phải là yếu tố mang tính di truyền, mà là xuất phát từ đặc thù của văn hóa ẩm thực quốc gia.
Về cơ bản, người dân của Đất nước mặt trời mọc ăn thực phẩm lành mạnh. Bất cứ ai đã thử các món tráng miệng của Nhật Bản như mochi, tayaki hay sakura manju đều biết rằng chúng không quá ngọt. Gạo thường được dùng làm nguyên liệu chính. Người Nhật Bản thậm chí còn làm kem từ gạo.
Hương vị, nhất là vị ngọt, có thể được bổ sung bởi các sản phẩm tự nhiên như đậu ngọt, đậu tây hoặc khoai lang. Đường ở dạng nguyên chất thực tế không được người Nhật Bản thêm vào các món ăn. Người Nhật Bản có thể uống đồ uống có ga hơi ngọt, tuy nhiên họ thích trà xanh tự nhiên hơn.
Kết quả là ở Nhật Bản, mức tiêu thụ đường trung bình mỗi ngày chỉ là 52g/người, gần như tuân thủ đúng tiêu chuẩn trong các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra - khoảng 50g. Để so sánh, con số này ở Nga cao gấp đôi - 107g và ở Mỹ gấp ba lần - 160 g.
Trong ẩm thực quốc gia Nhật Bản, có rất ít đồ chiên và thịt mỡ, chủ yếu là đồ hấp, cũng như đồ luộc và đồ sống. Dù là món chiên thì cũng được chế biến rất nhanh, chỉ vài phút. Người dân Nhật Bản thường ăn nhiều cá, hải sản, gạo và rau.
Điểm cộng thứ hai của văn hóa ẩm thực của người Nhật chính là phương pháp. Truyền thống dân tộc đòi hỏi phải cẩn thận, do đó việc ăn uống không vội vàng và chu đáo. Người Nhật ăn thường xuyên, nhưng với khẩu phần nhỏ. Cơm nắm cuộn rong biển thường được phục vụ như một món ăn nhẹ.
Ngay cả những món ăn đường phố được người Nhật yêu thích cũng chứa một lượng calo khá vừa phải. Ví dụ, nó có thể là yakisoba - nhiều loại mì với những miếng thịt nhỏ, bắp cải và cà rốt.
Người Nhật có tiêu chuẩn rất cụ thể, khắt khe về cân nặng. Nói chung, những người béo phì bị lên án, đặc biệt là phụ nữ. Thậm chí họ có thể gặp khó khăn khi xin việc. Hầu hết các công ty buộc nhân viên của họ phải tập thể dục thường xuyên hoặc ít nhất là một vài bài tập trong ngày.
Tuy nhiên, có một hiện tượng văn hóa độc đáo ở Nhật Bản - đấu vật sumo. Các vận động viên được “vỗ béo” một cách đặc biệt và có trọng lượng trung bình từ 200 kg trở lên.
Trong trường hợp này, những người béo lại được coi là những người nổi tiếng và cực kỳ có sức hấp dẫn. Phụ nữ Nhật gọi những người đàn ông thừa cân theo kiểu sumo là hiện thân của sự hào phóng, dịu dàng và đáng tin cậy.
Quan niệm này có liên quan đến hình ảnh của vị thần Hotei, người bảo trợ của hạnh phúc, vui vẻ và thịnh vượng. Vị thần Hotei được miêu tả là một người đàn ông bụ bẫm với cái bụng to tròn.
Béo phì là một vấn đề nghiêm trọng theo hầu hết các bác sĩ. Hiện nay, khoảng 1/3-1/4 dân số thế giới rất dễ mắc các bệnh liên quan đến thừa cân.
Tuy nhiên, người dân Nhật Bản lại không cần quá bận tâm về vấn đề này. Vì vậy, lối sống và thói quen ẩm thực của người dân Nhật Bản có lẽ là một trong những vốn quý mà chúng ta cần học tập để có một cuộc sống khỏe mạnh.
Hạ Thảo (lược dịch)