Nhật Bản sắp xóa bỏ quy định cấm phụ nữ tái hôn trong 100 ngày sau khi ly hôn
Nhật Bản sẽ cho xóa bỏ bộ luật có từ thế kỷ 19 liên quan tới việc xác định mối quan hệ cha con của đứa trẻ chào đời sau khi người mẹ ly hôn. Động thái này nhằm giảm số lượng trẻ em ở Nhật Bản không được đăng ký hộ khẩu, dẫn tới việc trẻ không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế và giáo dục.
Bloomberg đưa tin, hôm 14/10, Nội các Nhật Bản đã thông qua dự luật công nhận sau khi người mẹ ly hôn, đứa trẻ sinh ra sẽ được coi là con của người chồng hiện tại. Dự luật này sẽ được trình lên Quốc hội Nhật Bản để phê chuẩn trong thời gian tới.
Theo đó, lệnh cấm phụ nữ mang thai tái hôn trong vòng 100 ngày kể từ ngày ly hôn cũng sẽ được xóa bỏ, đồng thời tránh được những rắc rối liên quan tới xác định mối quan hệ cha con sau khi đứa trẻ chào đời.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 1898 và cho tới thời điểm hiện tại vẫn còn hiệu lực thi hành, đứa trẻ sinh ra trong vòng 300 ngày sau khi người mẹ ly hôn sẽ được coi là con của người chồng cũ ngay cả khi lúc này người mẹ đã tái hôn.
Trong khi đứa trẻ sinh ra trong vòng 200 ngày sau khi người mẹ tái hôn sẽ được coi là con của người chồng hiện tại. Điều khoản này được ban hành nhằm bảo vệ quyền lợi của trẻ em bằng cách nhanh chóng xác định người cha hợp pháp của đứa trẻ.
Tuy nhiên, sau khi sinh con, nhiều người mẹ quyết định không đăng ký hộ khẩu cho con vì không muốn vướng vào rắc rối liên quan tới phân định mối quan hệ cha con, nhất là khi người mẹ là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình.
Trên thực tế, quy định quản lý dân cư theo sổ hộ khẩu cũng đang gây ảnh hưởng lớn tới nỗ lực của các nhà vận động ủng hộ hai vợ chồng giữ lại họ của mình sau khi kết hôn.
Cụ thể, điều 750 của Luật Dân sự Nhật Bản quy định vợ chồng phải mang cùng một họ sau khi kết hôn. Điều này có nghĩa là một trong hai người phải đổi họ theo quy định của pháp luật mà đa phần là người vợ.
Việc mang họ khác nhau chỉ được cho phép trong trường hợp kết hôn với người khác quốc tịch.
Trái lại, Hàn Quốc đã cho xóa bỏ hệ thống đăng ký hộ khẩu vào năm 2008 do những quan ngại về việc xác định chủ hộ mà thông thường là đàn ông, dẫn tới định kiến về giới dai dẳng. Hệ thống này đã được thay thế bằng hệ thống đăng ký dựa trên cá nhân.
Cho tới nay, Nhật Bản vẫn là quốc gia đi sau các nước phát triển khai liên quan tới vấn đề bình đẳng giới. Theo "Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu" được Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố hồi tháng Bảy, Nhật Bản đứng thứ 116 trong tổng số 146 quốc gia.
Còn theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Nhật Bản hiện là 1 trong 32 quốc gia vẫn thi hành các quy định phân biệt tái hôn đối với phụ nữ đã ly hôn.
Luật sư Tomoshi Sakka, người thành công rút ngắn quy định cấm phụ nữ đã ly hôn tái hôn trong vòng 6 tháng xuống còn 100 ngày theo phán quyết của Tòa án Tối cao năm 2015, nhấn mạnh động thái sửa đổi luật cho thấy Nhật Bản đã bắt đầu ưu tiên các quyền của trẻ em.
“Sự thay đổi của bộ luật sẽ giúp giảm số lượng trẻ em không được đăng ký trong sổ hộ khẩu gia đình. Cuối cùng đã có bộ luật vì trẻ em”, ông Sakka nói.
Tờ Mainichi đưa tin, theo khảo sát tính tới tháng Tám, Nhật Bản có khoảng 800 người không đăng ký hộ khẩu. Theo Bộ Tư pháp Nhật Bản, 71% nguyên nhân liên quan tới mối quan hệ cha con của đứa trẻ. Những đứa trẻ không có tên trong sổ hộ khẩu sẽ không được hưởng những quyền lợi liên quan tới giáo dục, y tế của chính phủ, cũng như không thể xin cấp hộ chiếu.
Các quy định liên quan tới đăng ký hộ khẩu và quan hệ cha con vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng tại Nhật Bản, quốc gia có tỷ lệ trẻ em là con ngoài giá thú cực hiếm. Nhật Bản có khoảng 2% trẻ em chào đời khi bố mẹ còn chưa kết hôn, trong khi tỷ lệ này ở các nước thành viên của OECD là 41%.
Minh Thu (lược dịch)