Luật Biển quốc tế hình thành như thế nào?
![]() |
Phân chia biển theo Công ước Luật biển 1982 |
TS Trần Công Trục trả lời: Vấn đề mở rộng và xác định phạm vi các vùng biển thuộc các quyền quốc gia luôn luôn là vấn đề quan trọng,trong lịch sử nhân loại, là đề tài phong phú và phức tạp của nhiều diễn đàn, được cả cộng đồng quốc tế quan tâm; có khi còn là nguyên nhân hoặc nguồn gốc của nhiều xung đột, chiến tranh ở những quy mô khác nhau giữa các quốc gia.
Quá trình hình thành và mở rộng phạm vi các vùng biển quốc gia gắn liền với sự hình thành và phát triển của Luật pháp quốc gia và quốc tế trong lịch sử khám phá, khai thác và sử dụng biển của nhân loại.
Từ khi quốc gia xuất hiện, các quốc gia ven biển luôn có xu hướng mở rộng quyền lực ra hướng biển. Xu hướng này lại mâu thuẫn với tham vọng muốn duy trì quyền tự do hoạt động trên biển của các cường quốc hàng hải. Trong quá tình đấu tranh giữa 2 xu hướng đó đã xuất hiện các nguyên tắc, chế định, quy định pháp lý nhằm điều chỉnh các mối quan hệ và điều hòa lợi ích giữa các quốc gia. Chính điều đó đã tạo nền móng cho Luật Biển ra đời và phát triển.
Thời điểm lịch sử đánh dấu sự khởi đầu hình thành và phát triển của Luật Biển thế giới là vào thế kỷ XVI, khi mà quyền thống trị của Tây Ba Nha và Bồ Đào Nha trên biển đã vấp phải sự trỗi dậy của Hà Lan, với tư cách là một cường quốc hàng hải thương mại mới.
Vào thế kỷ XIX, quan niệm “quyền lực quốc gia chấm dứt tại nơi sức mạnh vũ khí của quốc gia đó hết hiệu lực” đã được cụ thể hóa bằng tầm bắn của súng thần công là 3 hải lý. Nước Anh là một cường quốc hàng hải lúc đó và đã chấp nhận nguyên tắc xác định chiều rộng lãnh hải là 3 hải lý.
Cuối thế kỷ XIX, nguyên tắc chiều rộng lãnh hải 3 hải lý không còn đủ để bảo vệ nghề cá của các quốc gia ven biển, vì vậy nhiều quốc gia đã có những quy định khác nhau về chiều rộng của lãnh hải mình, 4 hoặc 6 hải lý, và cả phạm vi bảo vệ nghề cá nữa.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ 1 (1930) Hội Quốc liên đã triệu tập Hội nghị quốc tế về Luật Biển đầu tiên tại LaHay; hội nghị này đã thừa nhận chủ quyền của quốc gia ven biển đối với lãnh hải và quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải, nhưng không thống nhất được chiều rộng lãnh hải.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, Hoa Kỳ khẳng định quyền bảo vệ nghề cá ở ngoài lãnh hải, đặc biệt là Tuyên bố Tơ ru man (1945) đã khẳng định chủ quyền đối với tài nguyên thiên nhiên của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc thềm lục địa của mình mà theo quan niệm lúc bấy giờ thì giới hạn của thềm lục địa kết thúc ở nơi có độ sâu 200m nước. Nhiều quốc gia ven biển theo chân Hoa Kỳ đã tuyên bố chủ quyền đối với tài nguyên thềm lục địa của họ và tình hình đó đã tạo ra một vấn đề mới của Luật Biển quốc tế… Một số nước Nam Mỹ như Pê ru, Chi Lê, Ecuado không có thềm lục địa tự nhiên, nên đã đòi hỏi mở rộng một vùng biển rộng đến 200 hải lý.
Năm 1958, để giải quyết tình trạng nói trên, Liên hợp quốc đã triệu tập Hội nghị quốc tế về Luật Biển lần thứ nhất tại Giơ ne vơ có 86 nước tham dự. Hội nghị này đã thông qua được 4 Công ước quốc tế về Luật Biển: Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải; Công ước về đánh cá và bảo tồn tài nguyên sinh vật; Công ước về thềm lục địa; Công ước về biển cả. Tuy nhiên một số nội dung quan trọng chưa được giải quyết: chiều rộng lãnh hải, quyền đi qua eo biển quốc tế, giới hạn vùng đánh cá, ranh giới ngoài của thềm lục địa.
Năm 1960, cũng tại Giơ ne vơ, LHQ lại triệu tập Hội nghị luật biển lần thứ 2 để giải quyết những tồn tại nói trên. Nhưng Hội nghị này cũng không đi đến kết quả gì.
Năm 1973, LHQ lại triệu tập Hội nghị luật biển lần thứ 3 để tiếp tục thảo luận và thông qua Công ước Luật Biển mới.
Sau 5 năm trù bị ( 1967-1972) và qua 9 năm thương lượng ( 1973-1982), trải qua 11 khóa họp, ngày 30 tháng 4 năm 1982, Hội nghị của LHQ về Luật Biển lần thứ 3 đã thông qua được một Công ước mới, gọi là Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, với tỷ lệ 130 phiếu thuận, 4 phiếu chống, 17 phiếu trắng và 2 nước không tham gia bỏ phiếu. Sau đó, ngày 10 tháng 12 năm 1982, tại Montego Bay (Jamaica), 117 Đoàn đại biểu quốc gia, trong đó Việt Nam, đã chính thức ký Công ước này. Công ước có hiệu lực từ ngày 16 tháng 11 năm 1994.