Luật Biên giới Quốc gia của Việt Nam nói gì về Hoàng Sa, Trường Sa?
Theo sách "100 câu hỏi đáp biển đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam", nội dung chính của Luật Biên giới Quốc gia của Việt Nam như sau:
Ngày 17/6/2003, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật Biên giới Quốc gia. Bộ luật này mang số 06/2003/QH11, quy định về biên giới Quốc gia của nước CHXHCN Việt Nam và có hiệu lực từ ngày 01/01/2004.
Luật Biên giới Quốc gia được xây dựng và ban hành căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10.
Luật gồm 6 chương, 41 điều, trong đó điều 1 xác định: “Biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Đảo Song Tử Tây (Quần đảo Trường Sa- Khánh Hòa- Việt Nam) |
Luật Biên giới Quốc gia khẳng định biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng và an ninh của đất nước. Luật được xây dựng và ban hành nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về biên giới quốc gia; xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài với các nước láng giềng.