Loạt tàu chiến mới ra Biển Đông, TQ tính toán gì?
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong) cho biết, ngày 8/1 vừa qua Trung Quốc đã làm lễ gia nhập hạm đội Đông Hải cho tàu hộ tống tên lửa Cát An và trở thành chiếc tàu chiến thứ 17 được gia nhập vào lực lượng hải quân.
Theo giới thiệu, Cát An là loại tàu hộ tống tên lửa hạng nhẹ đời mới do Trung Quốc tự nghiên cứu, thiết kế và sản xuất mang số hiệu 586. Là một trong những tàu hộ tống tên lửa hàng đầu của hạm đội Đông Hải, sau khi được đưa vào sử dụng, tàu chiến Cát An sẽ chủ yếu đảm nhận các nhiệm vụ như tuần tra cảnh giới độc lập hoặc phối hợp với các đơn vị khác thực hiện hoạt động tác chiến chống tàu ngầm, tác chiến trên biển… Tàu chiến này sẽ giúp hải quân Trung Quốc tăng cường hơn nữa sức mạnh tác chiến phòng thủ của lực lượng này và tiếp tục xu thế tăng cường, bổ sung tàu chiến mạnh mẽ.
Tàu Trường Xuân và Trịnh Châu mới gia nhập hải quân Trung Quốc trong năm 2013. |
Theo thống kê của tờ Đô thị Phương Nam (Trung Quốc), kể từ năm 2013 đến nay, hạm đội Nam Hải đã tiếp nhận số tàu chiến mới nhiều nhất với 7 chiếc. Đứng thứ hai là hạm đội Đông Hải với 6 chiếc. Tổng cộng có 17 chiếc tàu chiến mới được phiên chế vào quân đội Trung Quốc trong vòng một năm qua.
Đại tá Lý Kiệt (Viện nghiên cứu học thuật quân sự hải quân Trung Quốc), sở dĩ khu vực Nam Hải (Biển Đông) được ưu tiên hơn là vì đây là vùng biển có diện tích lớn, phạm vi hoạt động rất rộng mà trong quá khứ, số lượng tàu khu trục loại lớn và vừa của hạm đội Nam Hải tương đối ít. Cũng theo vị đại tá này, trong thời gian tới, Biển Đông sẽ là khu vực trọng điểm bố trí tàu chiến kiểu mới và “bảo vệ lợi ích trên biển” của hải quân Trung Quốc.
Tờ Đô thị Phương Nam liệt kê cho biết, trong năm 2013, hạm đội Nam Hải tiếp nhận 7 tàu chiến mới bao gồm : Nhạc Dương, Thường Thục, Huệ Châu, Khâm Châu, Mai Châu, Bách Sắc và Tam Á. Hạm đội Đông Hải có 6 tàu mới gồm: Trường Xuân, Bạng Phụ, Thượng Nhiêu, Sài Hồ, Trịnh Châu và Cát An. Trong khi đó, hạm đội Bắc Hải chỉ có 4 tàu: Đại Đồng, Thái Hồ, Duy Phường và Doanh Khẩu.
Những năm gần đây, hoạt động cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ tàu thuyền quốc tế của Trung Quốc đang dần gia tăng. Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, việc tàu hộ vệ tên lửa Diêm Thành của Trung Quốc tham gia vào nhiệm vụ hộ tống hoạt động vận chuyển vũ khí hóa học trên biển của Syria từ ngày 8/1 cho thấy Trung Quốc đã thay đổi lập trường truyền thống của nước này từ chỗ “không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác” sang “sẵn sàng tham gia các nỗ lực quốc tế trong việc giải quyết vấn đề của khu vực”.
Theo các nguồn tin, trong năm 2013, hải quân Trung Quốc đã đạt được bước đột phá khá lớn về mặt trang bị quân sự. Ngoài việc tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh đi vào hoạt động và hoàn thành nhiều đợt huấn luyện trên biển thì hàng loạt tàu chiến đời mới lần lượt gia nhập hải quân cũng là một điểm sáng lớn. Báo chí Trung Quốc cho biết, trong năm qua hải quân nước này đã được trang bị nhiều loại tàu chiến với mục đích sử dụng và công năng khác nhau bao gồm tàu hộ tống tên lửa đa dụng Type 054A; tàu hộ tống tên lửa hạng nhẹ Type 056; tàu khu trục Type 052C và tàu hậu cần cỡ lớn Type 903A.
Theo chuyên gia hải quân Lý Kiệt, nhu cầu “hành động trên biển” chính là nguyên nhân quan trọng dẫn tới việc Trung Quốc phải đẩy mạnh sự bổ sung thêm tàu chiến mới. Vị đại tá này cho biết thêm, chính “lợi ích trên biển của Trung Quốc không ngừng gia tăng trong những năm gần đây khiến hành động trên biển của quân đội Trung Quốc cả về mặt số lượng và cường độ đều có khả năng tăng lên”.
Phó chủ tịch Hội Nghiên cứu văn hóa biển, Thiếu tướng Lý Phương Lai, việc hải quân Trung Quốc phát triển trang bị là điều rất cần thiết. “Cần phải xây dựng một lực lượng quân sự hùng mạnh phù hợp với địa vị nước lớn và năng lực bảo vệ biển đảo quốc gia cũng như các quyền lợi trên biển của Trung Quốc”, Lý Phương Lai nói.