Loài bò sát nhỏ nhất thế giới nằm gọn trong đầu ngón tay
Tắc kè hoa Madagascar Brookesia nana dài khoảng 13,5 milimet có thể nằm gọn trên đầu ngón tay người.
Brookesia nana là một loài tắc kè hoa cực kỳ nhỏ bé từ các khu rừng nhiệt đới phía bắc Madagascar. Các nhà nghiên cứu gần đây đã mô tả một con đực và một con cái của loài này trên tạp chí khoa học Scientific Reports.
Ngay khi trông thấy loài vật nhỏ bé, các nhà khoa học bị sốc, choáng váng trước kích thước đặc biệt nhỏ của con đực. Tính từ mõm đến lỗ huyệt, lỗ đa năng sử dụng cho cả bài tiết và sinh sản chỉ khoảng 13,5 milimet, con đực trưởng thành hoàn toàn là loài bò sát nhỏ nhất từng được mô tả.
Trên thực tế, con đực có số đo thậm chí còn nhỏ hơn so với con cái, có chiều dài khoảng 19,2 milimet. Các nhà nghiên cứu viết rằng không chỉ dài hơn bạn đời mà còn dài hơn tắc kè biển Caribe Sphaerodactylus ariasae, hiện đang giữ danh hiệu loài bò sát cái nhỏ nhất thế giới.
Frank Glaw, một nhà nghiên cứu về động vật học tại Bavarian State Collection of Zoology ở Munich cho biết: "Do sơ đồ cơ thể chung của các loài bò sát khá giống với động vật có vú và con người, thật hấp dẫn khi thấy những sinh vật có kích thước siêu nhỏ, tìm hiểu các cơ quan bên trong như thế nào".
Tuy nhiên, không phải mọi cơ quan đều thu nhỏ tương ứng với cơ thể. Thằn lằn đực và rắn đực có một cặp cơ quan sinh sản gọi là hemipenes, hai bộ phận sinh dục hình ống nằm ngược bên trong cơ thể con đực, cho đến khi đến thời điểm giao phối. Các hemipenes của Brookesia nana dài 2,5 milimet khi trưởng thành hoàn toàn, tương đương 18,5% tổng chiều dài cơ thể.
Mark Scherz, đồng tác giả nghiên cứu nhà chăn nuôi tại Đại học Potsdam, Đức cho biết: "Kết quả này tiết lộ một mô hình đáng chú ý, các loài nhỏ nhất thường có kích thước bộ phận sinh dục lớn nhất tương xứng".
Theo Scherz, nó có thể liên quan đến sự khác biệt về kích thước giữa con đực và con cái của những loài bò sát nhỏ bé này. Tuy nhiên, chỉ có hai mẫu vật Brookesia nana nên chưa thể đưa ra bất kỳ kết luận chính xác.
Trong khi các khu rừng nhiệt đới của Madagascar phải đối mặt với mối đe dọa đáng kể từ các hoạt động xâm lấn của con người như phá rừng và nông nghiệp, những con thằn lằn kích thước nhỏ cũng có thể gặp nguy hiểm. Nếu không có những nỗ lực bảo tồn đáng kể, những loài bò sát nhỏ nhất thế giới có thể dễ dàng lọt qua tầm tay của chúng ta.
Hoàng Dung (lược dịch)