Loại bỏ nguyên nhân hàng đầu dễ cướp đi mạng sống của trẻ vị thành niên
Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tự tử ở trẻ vị thành niên là lo âu, trầm cảm. Đây là độ tuổi rất nhạy cảm do những thay đổi về tâm sinh lý
5,3% trẻ cố gắng tự tử
Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh, Phó trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, BV Nhi Trung ương cho biết, các nghiên cứu đã cho thấy nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tự tử ở trẻ vị thành niên là lo âu, trầm cảm. Đây là vấn đề hay gặp và phổ biến trong giai đoạn phát triển trẻ vị thành niên (giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con thành người lớn).
Đây là độ tuổi rất nhạy cảm trước những tác động của môi trường, xã hội do những thay đổi về tâm sinh lý ở lứa tuổi này.
Ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra trầm cảm ở trẻ vị thành niên là do áp lực học tập, thi cử. Một số trẻ dễ rơi vào tình trạng “sốc tâm lý” và nghĩ đến chuyện tiêu cực, thậm chí kết thúc cuộc đời sau những thất bại trong học tập, thi cử.
Ngoài ra, bác sĩ Ngô Anh Vinh cũng chỉ ra mâu thuẫn trong cuộc sống cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên tự tử.
Những mối quan hệ bất hoà, mâu thuẫn với gia đình, bạn bè, xã hội nhưng không được chia sẻ có thể khiến cho trẻ không tìm ra được những giải pháp để giải quyết.
Trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến hành vi tự sát và xem việc tự sát như là một cách để giúp giải thoát khỏi những bế tắc trong cuộc sống.
Đáng lo ngại, hiện nay ở việt Nam, vấn đề sức khoẻ tâm thần đặc biệt là tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng nhiều.
Theo số liệu của một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,3% và trẻ cố gắng tự tử là 5,3%.
Cách nào ngăn ngừa?
Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS tâm lý Trần Thành Nam, Trường Đại học giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, trước khi đưa ra những quyết định, trẻ sẽ có những biểu hiện như: mất hứng thú với mọi hoạt động; mất năng lượng và thu mình lại; thay đổi nhịp ăn ngủ…
PGS. TS Trần Thành Nam |
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần rất chú ý đến các câu nói, biểu hiện hành vi nguy cơ dẫn đến tự tử. Những câu nói như “thà chết đi còn hơn”, “chẳng còn quan trọng gì” hay những hành động thu xếp, trả ơn bố mẹ; cho đi những vật quý... đều phải được nhìn nhận với con mắt thận trọng.
“Nếu trẻ có dấu hiệu trên cần có biện pháp cách ly với những đồ vật có nguy cơ cao nhưng đồ sắc nhọn, dây thừng, nơi cao không có rào bảo vệ…", chuyên gia Trần Thanh Nam chia sẻ.
Chung quan điểm này, chuyên gia tâm lý Nhan Cẩm Nghi, Đơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho rằng, những mối quan hệ tích cực, hỗ trợ từ gia đình và xã hội đóng vai trò quan trọng bảo vệ trẻ khỏi "virus" tự tử.
Sự gắn kết vững chắc giữa ba mẹ và con cái tạo cảm giác an toàn và là tiền đề giúp trẻ phát triển nhận thức về giá trị bản thân: “Mình không đơn độc”; “Mình xứng đáng nhận được tình yêu thương từ ba mẹ và mọi người xung quanh”… Bên cạnh đó, việc phát triển mối quan hệ tốt đẹp với nhà trường, bạn bè góp phần củng cố nguồn lực bên ngoài và sự tự tin bên trong của trẻ.
Ngoài ra, cha mẹ và thầy cô có thể hỗ trợ trẻ trong việc giáo dục các kĩ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng đưa ra quyết định và thích ứng với môi trường nhằm phòng ngừa và ứng phó với những tình huống khó khăn. Một chế độ sinh hoạt hợp lý, sự cân bằng giữa thể chất và tinh thần có thể giúp trẻ có những trải nghiệm sống lành mạnh và cái nhìn tích cực với bản thân cũng như những người xung quanh.
Theo chuyên gia tâm lý Nhan Cẩm Nghi, tự sát là điều không cha mẹ nào mong muốn xuất hiện trong suy nghĩ của con mình. Hơn bao giờ hết, điều cần làm ngay lúc này là sự chủ động lắng nghe tâm tư, tình cảm của con từ phía cha mẹ. Điều này góp phần giúp trẻ cảm thấy suy nghĩ, cảm xúc và nhu cầu của bản thân được tôn trọng.
Bên cạnh đó, phụ huynh có thể đặt câu hỏi để hiểu hơn về con, ví dụ như “Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo nếu con không còn sống?” “Ngoài tự tử, có cách nào khác để giải quyết vấn đề không?”… thay vì chỉ trích hay la mắng con. Điều con cần hơn bao giờ hết ở thời điểm này là sự đồng hành và chia sẻ của những người xung quanh.
N. Huyền