Ám ảnh người trẻ tự tử khiến người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh
Coi giá trị vật chất là đánh giá sự thành đạt khiến không ít bố mẹ mải miết kiếm tiền mà quên đi những đứa trẻ đang cô đơn trong chính ngôi nhà mình. Tự tử là một trong những lựa chọn tiêu cực nhất của người trẻ…
Cặp đôi nhảy từ tầng cao toà nhà chung cư tử vong tối 9/9. |
Liên tiếp những ngày qua, có ít nhất 4 gia đình bố mẹ mất con. Cả bốn cái chết có tuổi đời còn rất trẻ. Trong đó có em tìm đến cái chết như sự giải thoát.
Vụ việc đầu tiên phải kể đến là đôi nam nữ thanh niên thuê căn hộ tầng 35 tại một chung cư ở phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội. Đêm 9/9, người dân khu vực nghe thấy tiếng động lớn rồi phát hiện 2 thi thể đã không còn nguyên vẹn ở sảnh chung cư.
Sáng 10/9, lãnh đạo Quận Ba Đình cho biết, đôi nam nữ tử vong cùng 24 tuổi, “khả năng đôi nam nữ này đã nhảy từ tầng cao của chung cư xuống tự tử".
Cũng trong sáng 10/9, ở phía Nam đất nước, người dân tập thể dục thấy quyển vở ghi tâm thư có dòng chữ “con xin lỗi gia đình” để trên bờ liền tá hoả đi tìm thì phát hiện thi thể nam giới nổi trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Trong ví của nạn nhân không có giấy tờ tùy thân, chỉ có một đơn thuốc ghi tên Lưu Quang S. (25 tuổi, ngụ quận Bình Tân).
Trước đó ít hôm, tại Đắk Lắk, vào ngày 4/9 cháu N. (13 tuổi, nam sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Du, phương An Lạc, thị xã Buôn Hồ) cũng đã treo cổ tự tử. Được biết, trong thời gian nghỉ hè em N. vẫn sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, thời gian gần vào năm học mới, em N. có biểu hiện buồn bã.
Là một bà mẹ có con ở tuổi 17, đọc những tin này tôi không khỏi giật mình. Các em còn quá trẻ đã kết thúc cuộc đời bằng cách này hay cách khác, để lại nỗi đau vô hạn cho người ở lại.
Nỗi đau ấy nghẹn đắng ở trong tim các bậc cha mẹ. Bởi lẽ, nuôi con từ lúc còn đỏ hỏn, lặng lẽ chăm con từ miếng ăn, giấc ngủ, vất vả mưu sinh để con trưởng thành, bố mẹ nào cũng chỉ mong sao con thành người tử tế. Bố mẹ sẵn sàng hy sinh tất cả vì con mà không cầu một ngày kia con báo đáp.
Ấy vậy mà bố mẹ chưa kịp nhìn con thành đạt, chưa kịp thảnh thơi… thì con đã mãi mãi lìa đời bằng cách đau đớn nhất. Ông bố bà mẹ nào có thể đứng vững khi chứng kiến hình hài con nằm bất động dưới đất lạnh hay tím tái với chiếc thòng lọng...?
Những trái tim non trẻ ấy đã ngừng đập, tắt lịm hy vọng với người thân và sát muối vào vết thương của đấng sinh thành. Đau xót!
Nhiều người nói với tôi rằng lớp trẻ bây giờ “thiếu ý chí, nghèo quyết tâm và dễ tổn thương”, thậm chí có người còn phũ miệng cho rằng “sướng quá hoá rồ”. Các bậc phụ huynh thường so sánh thế hệ mình với thế hệ trẻ bây giờ và cho rằng, lũ trẻ giờ chỉ quen “ăn sẵn”, chúng chẳng bao giờ biết cái cảm giác đói run người, đến cơm còn chẳng đủ ăn nói gì đến thức ăn ngon. Rồi thì khó khăn là thế nhưng thế hệ bố mẹ vẫn quyết tâm học hành... chẳng như bây giờ.
Có mẹ còn phàn nàn, lũ trẻ bây giờ thấy cơm dọn tận miệng vẫn không thèm. Chúng thích ăn hàng, ăn quán, thích lê la trà chanh chém gió… và chờ bố mẹ dọn sẵn tương lai. Vì đã quen với việc được cưng chiều từ nhỏ, quen với mọi thứ đều sẵn rồi nên chỉ cần gặp một trở ngại là nản chí. Bố mẹ nặng lời là chúng kêu “không thương” rồi doạ tự tử. Bố mẹ không đồng ý chuyện yêu đương cũng dọa tự tử...
Thực sự, nuôi con thời nay khó hơn rất nhiều, nuôi con thành công không phải đơn giản là cho chúng điều kiện sống tốt hơn và tốt hơn nữa. Giữa trùng điệp những thông tin đa chiều của internet, giữa xã hội coi nặng giá trị vật chất, nhiều cha mẹ đã sai lầm khi coi đồng tiền là thước đo của sự thành đạt rồi cuốn vào vòng xoáy kiếm tiền. Họ quên mất rằng những đứa trẻ mới lớn cũng cần cần bố mẹ quan tâm, chia sẻ tâm tư, tình cảm biết nhường nào.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ mỗi 40 giây trên thế giới có một người tìm đến cái chết (800.000 ca tự tử/năm). Mặc dù xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng theo thống kê, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai đối với lứa tuổi 15- 29 tuổi trên thế giới, chỉ sau tai nạn giao thông.
Đặc biệt, hiện nay tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang ngày càng gia tăng nhưng người lớn, các bậc phụ huynh chưa biết cách nhận diện, hỗ trợ và can thiệp. Hiện nay các nghiên cứu đã cho thấy nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tự tử ở trẻ vị thành niên là do lo âu, trầm cảm.
Có lẽ hơn lúc nào hết, các bậc phụ huynh nên dành thời gian quan tâm con cái tuổi mới lớn nhiều hơn, bởi đây là độ tuổi tâm lý bất ổn, dễ nảy sinh những tình huống tiêu cực trong tương lai gần. Chỉ khi chúng thấy gia đình thực sự có ý nghĩa, quý trọng công ơn dưỡng dục của bố mẹ thì khi ấy mới bớt đi những cái chết trẻ tức tưởi, ám ảnh đến khôn cùng như thế.
Bạn đọc Nguyễn Trà My (Ba Đình, Hà Nội)