Tỷ lệ tự tử ở Nhật Bản giảm trong giai đoạn dịch Covid-19
Tỷ lệ tự tử ở Nhật Bản được ghi nhận sụt giảm trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, vậy nguyên nhân là gì?
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), báo cáo do nhà nghiên cứu Shohei Okamoto tại Viện Lão khoa trung tâm Tokyo đứng đầu công bố hôm 2/9 cho thấy, hai yếu tố giảm giờ làm và hỗ trợ tài chính từ chính phủ có thể là nguyên nhân giúp tỷ lệ tự tử ở Nhật Bản giảm trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát.
Cụ thể, trong giai đoạn từ tháng 2 – 6 năm nay, tỷ lệ tự tử ở Nhật giảm 13,5% so với mức trung bình cùng kỳ.
Tỷ lệ tự tử ở Nhật Bản giảm trong giai đoạn dịch Covid-19 do người dân giảm bớt căng thẳng từ công việc và sự hỗ trợ tài chính của chính phủ. (Ảnh minh họa) |
Báo cáo cũng ước tính số trường hợp tự tử được ngăn chặn trong giai đoạn dịch Covid-19 từ tháng 2 – 6 năm nay là 1.027 vụ, trong khi số người chết vì mắc Covid-19 cùng kỳ là 974 người.
Thông tin trên được công bố chỉ sau một ngày Văn phòng Thống kê quốc gia cho biết số vụ tự tử ở Anh vào giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19 đã giảm từ 10,3/100.000 người xuống còn 6,9/100.000 người.
Trong thời gian qua, các chuyên gia y tế đã nhiều lần bày tỏ mối quan ngại về khả năng xuất hiện cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu liên quan tới đại dịch Covid-19. Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng nguy cơ tử tự vì lo sợ virus corona chủng mới sẽ gia tăng cùng những lo lắng liên quan tới sụt giảm thu nhập, khủng hoảng kinh tế và buồn chán do giãn cách xã hội.
Trên thực tế, một số khu vực đã chứng kiến sự gia tăng của các vụ tự tử trong đại dịch. Điển hình, số ca tự tử tăng gấp đôi trong 3 tháng qua trên đảo Guam ở Thái Bình Dương so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, số cuộc gọi đến đường dây nóng tự tử ở Mỹ, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 cũng như ở Canada đã tăng vọt.
Tuy nhiên, theo ông Okamoto, những người có ý định tự tử không phải lúc nào cũng tự tước đi mạng sống mình và tồn tại sự sai lệch về thống kê nếu chỉ đơn giản dựa vào so sánh tỷ lệ tỷ vong trước và trong giai đoạn dịch Covid-19 giống như ở đảo Guam.
Còn đối với nghiên cứu của Nhật Bản, nhóm nghiên cứu đã xem xét dữ liệu về số ca tử vong do tự tử trong vòng 4 năm tại quốc gia có dân số hơn 120 triệu người. Theo nhóm nghiên cứu, họ đã cung cấp “bằng chứng quy mô lớn đầu tiên” về việc đại dịch có liên quan đến tỷ lệ tự sát.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, tỷ lệ tử vong do tự tử giảm rõ rệt nhất ở nam giới từ 20 - 69 tuổi. Đây vốn là nhóm chiếm phần lớn trong lực lượng lao động. Tỷ lệ tự tử đã giảm 12% từ tháng 2 - 6 so với mức trung bình ở giai đoạn này.
Nghiên cứu cũng cho biết, tỷ lệ tự tử giảm nói chung khi Nhật Bản thực hiện tình trạng khẩn cấp và khi các trường học đóng cửa.
Song đáng nói, tỷ lệ tự tử ở nữ giới vẫn có ít sự thay đổi khi chỉ giảm 7% so với mức trung bình. Nguyên nhân mà nhóm nghiên cứu đưa ra là do phụ nữ có khả năng mất việc cao hơn, phải làm nhiều công việc nhà hơn, cũng như gia tăng tình trạng bạo lực gia đình trong giai đoạn người dân ở nhà tránh dịch.
Nhật Bản có tỷ lệ tự tử cao thứ 5 trong số các quốc gia phát triển trên thế giới. Song Nhật Bản cũng là quốc gia có tuổi thọ cao nhất thế giới trên 84 tuổi. Các nghiên cứu trước đây từng chỉ ra rằng, chính căng thẳng do làm việc quá sức và bị cô lập là yếu tố dẫn đến nạn tự tử ở Nhật Bản.
Cũng theo nghiên cứu, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số giờ làm việc ở Nhật Bản đã giảm từ 10 - 20%. Ngoài ra, mỗi người dân nhận được 100.000 yen (khoảng 940 USD). Các công ty cũng được trợ cấp và số vụ phá sản trong tháng Năm giảm 50% so với thời kỳ trước đại dịch. Nói tóm lại, khả năng nhờ những yếu tố trên mà tỷ lệ tự tử đã giảm khi người dân giảm bớt được căng thẳng từ công việc và áp lực tài chính.
Chia sẻ với SCMP, ông Okamoto nhấn mạnh, “chúng tôi không thể nói rằng đại dịch đã cứu sống nhiều người hơn so với số người chết vì dịch bệnh. Nghiên cứu không đủ rộng để đưa ra kết luận như vậy”.
Theo nhóm nghiên cứu, tình hình ở Nhật Bản không giống với các quốc gia khác, nơi lệnh phong tỏa được thực thi nghiêm ngặt, bất ổn xã hội, các vấn đề kinh tế và nạn đói đang gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe tâm thần của người dân.
Các nhà nghiên cứu cũng đưa ra lời cảnh báo tỷ lệ tự tử giảm xuống trong giai đoạn dịch Covid-19, nhưng có thể tăng trở lại khi những yếu tố tích cực như sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ không còn.
Vì sao Mỹ muốn lập 'liên minh quân sự' với Ấn Độ, Nhật Bản, Australia?
Mỹ muốn thiết lập một liên minh quân sự giống như NATO ở Ấn Độ - Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc.
Minh Thu (lược dịch)