Liên tiếp các vụ bạo hành trẻ mầm non: Quy trình cấp phép có vấn đề?
Gần đây, liên tục xảy ra tình trạng các giáo viên mầm non bạo hành trẻ, khiến dư luận đang bức xúc. Nhiều ý kiến cho rằng cần có sự thay đổi về cách quản lý trong bậc học mầm non, đặc biệt là nhóm, lớp, trường cơ sở mầm non tư thục và một số vấn đề khác. PV Infonet, có cuộc trao đổi với bà Hoàng Thanh Hương – Trưởng phòng Giáo dục mầm non – Sở GD&ĐT Hà Nội, để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Bà Hoàng Thanh Hương trao đổi với PV Infonet. |
PV: Bà có nhận nhận xét như thế nào về việc liên tiếp các giáo viên bạo hành trẻ em trong thời gian gần đây, không chỉ riêng tại Hà Nội?
Bà Hoàng Thanh Hương: Những người theo nghề giáo viên, đặc biệt là bảo mẫu, phải có tính kiên nhẫn, chịu khó và biết chia sẻ cảm thông, thương yêu trẻ như con của mình. Nhưng có một thực tế là bản chất các cô trông trẻ luôn luôn tốt và có tâm hồn thương yêu trẻ trong sáng, nhưng tâm lý các cô có nhiều lúc thay đổi như mệt mỏi nên dẫn đến các hành động phản cảm như thời gian vừa qua.
Nhưng đã chọn nghề trông trẻ thì người đó phải chuẩn mực, không thể đổ lỗi cho lý do này, lý do kia. Chính vì vậy, mỗi hành động thái quá của các cô giáo trông trẻ mầm non sai trái cần phải xử lý nghiêm.
Gần đây, nhiều nơi, trong đó có Hà Nội, các cô giáo có hành vi xâm phạm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, tâm lý của trẻ. Hành vi đó là vi phạm phẩm chất của nhà giáo, chúng tôi kiên quyết phản đối và phê phán các hành vi này. Các cấp quản lý cần chấn chỉnh, khắc phục những hành động đó. Ngành giáo dục phải tuyên truyền mỗi cá nhân, những người làm nhiệm vụ giáo viên nhận thức, ý thức, chấm dứt ngay hành động đó.
Những người vi phạm cần xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật, tùy theo mức độ, để răn đe các giáo viên khác, để nhận được sự yêu thương của con trẻ, sự tín nhiệm của phụ huynh và ủng hộ dư luận của xã hội. Những cá nhân này tuy nhỏ nhưng làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín nghề giáo cũng như ngành giáo dục, cần xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội để làm gương.
Ở Hà Nội có đề án nâng cao giáo dục mầm non và trong 5 năm gần đây, HDND và UBND đã cấp hơn 3 nghìn tỷ đồng đầu tư cho xây dựng các điểm trường và chế độ chính sách cho giáo viên mầm non giúp cô giáo mầm non yên tâm công tác. Chính vì vậy, các cô giáo trông trẻ phải nâng cao trách nhiệm để làm cho đúng, cho tròn nhiệm vụ, phẩm chất của mình.
PV: Phải chăng quy trình cấp phép hoạt động của các nhóm, lớp, trường mầm non tư thục và việc tuyển giáo viên trông trẻ mầm non chưa hợp lý, nên mới xảy ra tình trạng bạo hành trẻ như vậy, thưa bà?
Bà Hoàng Thanh Hương: Trong quy chế tổ chức hoạt động của trường tư thục thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy chế rất rõ ràng, đó là các giáo viên đứng lớp đều phải có trình độ trung cấp mầm non trở lên. Ngoài ra, chủ các nhóm trường có thể thuê thêm nhân viên thu dọn vệ sinh lớp học và hỗ trợ chăm sóc trẻ.
Các cơ quan nhà nước thực hiện quy trình hoàn toàn đúng theo quy định của Nhà nước. Trong 4 năm trở lại đây, Hà Nội đã tuyển dụng 23.988 giáo viên mầm non vào viên chức nhà nước. Trong năm 2015, Hà Nội tiếp tục tuyển dụng hơn 2.000 giáo viên mầm non. Với các tiêu chuẩn quy định theo điều lệ trường.
Về trường mầm non tư thục, khi muốn thành lập trường phải có đề án, có hồ sơ trình lên các cấp có thẩm quyền duyệt. Quy trình là như vậy, nhưng vẫn bỏ sót rất nhiều yếu tố.
Bà Hoàng Thanh Hương: "Tôi phản đối việc các cô giáo bạo hành trẻ em". |
Tại sao xã hội hóa bậc giáo dục mầm non lại nhiều hơn bậc THPT?
Bà Hoàng Thanh Hương: Chủ trương xã hội hóa mầm non của Đảng và Nhà nước là hết sức đúng đắn và phát triển đa dạng các loại trường. Trường ngoài công lập là đối trọng cho các trường công lập để cùng nhau đưa được nhiều trẻ đến trường. Đối với mầm non đặc thù thì độ tuổi và nhu cầu của phụ huynh và xã hội, do họ muốn đưa con học ở gần nhà để tiện đón đưa và chăm sóc.
PV: Thưa bà, để đảm bảo an toàn cho trẻ, các bậc phụ huynh cùng các cơ quan chức năng cần phải làm gì?
Bà Hoàng Thanh Hương: Việc cấp phép thành lập và hoạt động của các trường mầm non tư thục là hoàn toàn đúng quy trình. Nhưng khó khăn lớn nhất là sau khi cấp phép hoạt động cho các trường tư thục thì việc kiểm tra sau cấp phép chưa nhiều.
Muốn phát hiện ra nhóm trường, cơ sở … mầm non chưa được cấp phép đã hoạt động đòi hỏi cộng đồng cần có trách nhiệm, trong đó có phường xã, tổ dân phố, của phụ huynh học sinh giám sát chất lượng và hoạt động của các nhóm lớp này.
Bên cạnh đó cũng cần tuyên truyền rộng rãi, thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn phường, xã đối với những nhóm lớp chưa được phép hoạt động và không được phép hoạt động để cho phụ huynh biết lựa chọn điểm trường cho con phù hợp, đồng thời cùng giám sát với các cơ quan quản lý. Để đảm bảo cho việc này, Sở đã chỉ đạo các Phòng giáo dục xây dựng các quy chế phối hợp với các phường xã để cùng nhau quản lý, nhằm tránh những sai phạm không đáng có xảy ra.
PV: Sau hàng loạt vụ các giáo viên bạo hành trẻ em, phải chăng đã đến lúc cần có sự thay đổi quy trình lập nhóm, lớp mầm non tư thục?
Bà Hoàng Thanh Hương: Để đảm bảo đúng quy trình thì mới đây, Bộ GD&ĐT đã nâng yêu cầu đối với chủ nhóm lớp mầm non tư thục phải có trình độ từ trung học cơ sở lên THPT. Trước đây, chủ nhóm lớp mầm non tư thục chỉ cần có trình độ THCS.
Xin cám ơn bà!
Xung quanh vụ cô giáo nhóm lớp mầm non Nụ Cười Xinh, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, bà Hoàng Thanh Hương – Trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: “Sự việc xảy ra tại địa bàn Hà Nội ở nhóm lớp tư thục Nụ Cười Xinh, Nam Từ Liêm là những trường hợp cá biệt và không mong muốn. Điều này thể hiện hành vi không đúng với phẩm chất, phương pháp sư phạm, hành vi của một nhà giáo. Quan điểm của Sở GD&ĐT Hà Nội là sẽ xử lý nghiêm khắc những trường hợp này để ngăn chặn các hành vi tương tự.
Hình ảnh cô giáo mầm non ở nhóm lớp Nụ Cười Xinh bạo hành trẻ tác động xấu đến tâm lý phụ huynh, dư luận xã hội và ngay cấp quản lý chúng tôi cũng thấy bất bình. Nhưng cũng phải nói rằng, toàn thành phố có tới trên 40.000 giáo viên mầm non đang rất vất vả, tâm huyết trong công tác chăm sóc trẻ, do đó chúng ta không nên quy kết chất lượng giáo dục mầm non hay giáo viên nói chung đều kém chất lượng.
Sở đã tiến hành lập hồi đồng kỷ luật với cô giáo Mai N. và lấy ý kiến các phụ huynh ở lớp mầm non Nụ Cười Xinh thì 35 phụ huynh có con gửi ở đây đều cho rằng, cô Mai N. rất tốt với các cháu và tận tâm với công việc.
Hành động của cô Mai N. là hành động bộc phát và được đa số các phụ huynh có trẻ ở nhóm lớp Nụ Cười Xinh thông cảm và bỏ qua. Tuy nhiên, với chúng tôi vẫn phải xử lý nghiêm việc này, để răn đe người khác, nhằm tránh những điều đáng tiếc xảy ra với ngành giáo dục. Kết quả kiểm tra nhóm lớp mầm non tư thục Nụ Cười Xinh cho thấy cô Mai N. là bảo mẫu có hành vi cầm vai giật lắc trẻ, dúi vào mặt cháu Nguyễn Ngọc T.N. khi cho cháu N. ăn.
Cô Mai N. mới tốt nghiệp THPT, đang theo học Trung cấp Sư phạm mầm non, hiện làm hợp đồng vệ sinh và hỗ trợ cho trẻ khi ăn trưa. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của chủ nhóm lớp, đình chỉ công tác bảo mẫu Mai N.