Lập lờ rao bán thiết bị súng trên Lazada: Ranh giới mong manh giữa buôn bán súng thật và súng đồ chơi
|
Ngày 16/2/2019, ICTnews có đăng bài “Rao bán súng bắn bi sắt, khí nén CO2 tràn ngập Lazada” phản ánh hàng chục shop bán hàng từ Trung Quốc, Hồng Kông đã rao bán các thiết bị để lắp ráp súng và vũ khí dưới dạng đồ chơi trên Lazada. Đáng chú ý là khi lắp ráp hoàn chỉnh, súng bắn bằng đạn bi sắt hoặc khí nén CO2 có thể gây sát thương.
Sau khi ICTnews đăng bài, có một số độc giả đã liên hệ với ICTnews để cung cấp thêm thông tin về thực trạng đồ chơi mạo hiểm được bán tràn lan trên Lazada, theo đó khá nhiều shop rao bán thiết bị thể thao mạo hiểm dưới dạng thiết bị súng, với những lời rao bán lập lờ, dù được quảng cáo là súng đồ chơi nhưng các thiết bị lại được phân lẻ thành từng bộ phận, chia thành nhiều shop khác nhau, mỗi shop bán một thứ, khi mua đủ bộ sẽ lắp ghép lại sẽ thành một cây súng hoàn chỉnh.
Độc giả Phạm Tiến Trung (ở Hà Nội) rất bức xúc khi cho rằng, điều quan trọng không phải là họ bán súng gì, súng thật hay súng giả mà với hình thức rao bán thiết bị súng đồ chơi phân nhỏ thành từng thiết bị, nhiều shop khác nhau cùng rao bán, thì một số đối tượng có thể lợi dụng phương thức này để bán súng quân dụng, súng thật mà có thể qua mặt được cơ quan chức năng.
Mặt khác khi tìm hiểu kỹ hơn các shop bán đồ thể thao mạo hiểm trên Lazada có thể thấy các loại thiết bị được rao bán có thể lắp ráp thành súng bắn bi sắt bằng khí nén CO2, hoặc bơm bằng tay rất nguy hiểm, có sức công phá rất mạnh. ICTnews tìm kiếm một shop có tên “Thể thao mạo hiểm” trên Lazada, trên shop này rao bán khoảng 20 loại thiết bị có mô phỏng giống hình thiết bị súng với những tên gọi khác đi. Ví dụ, một thiết bị có hình giống hệt báng súng thì được rao với tên “tay cầm máy xúc”, thiết bị giống hệt thân súng thì rao bán với tên ‘tay xẻng xúc cát”, thiết bị giống y chang cò súng thì được rao bán với tên “bộ cò FX”, ngoài ra trên shop này còn có bán đủ các bộ van thủy lực, bộ ruột máy trượt, ống nhôm bay thẳng, phôi nhôm mõm bằng, quy mõm dài. Theo ông Phạm Tiến Trung, shop cố tình lập lờ gọi tên thiết bị khác đi để lách kiểm duyệt, nhưng người có hiểu biết về súng có thể dễ dàng nhận thấy, tất cả các thiết bị mà shop này rao bán có thể lắp thành một khẩu súng hơi hoàn chỉnh, súng này có thể bắn đi viên đạn bằng lực đẩy hơi thay vì chất nổ.
Cũng theo phân tích của ông Trung, súng đẩy hơi có mấy loại, một là dùng bình khí CO2 bán sẵn, hai là bơm bằng tay nén bình chứa khí của súng, ba là nén mỗi lần bắn giống loại súng hơi của Tiệp Khắc thời cách đây khoảng hơn 20 chục năm. Đạn cho súng hơi có thể dùng nhiều loại như đạn viên gel, viên đạn sắt, hoặc đạn sơn, đạn chì. Nếu như các câu lạc bộ giải trí hay khu vui chơi mà dùng đạn nhựa dẻo dạng gel, hoặc đạn sơn thì là trò chơi mạo hiểm bình thường, nhưng nếu dùng đạn sắt như kiểu bi sắt cỡ 6mm thì khi bắn ra với lực nén lên tới hàng chục kg/cm2 thì loại đạn này có thể gây sát thương. Loại bi sắt này cũng bán rất phổ biến trên các chợ thương mại điện tử như Lazada hay Sen đỏ.
Trên Lazada loại bình khí nén khí chịu lực 4500PSI có sức nén mạnh nhất lên tới 3 tấn/cm2 cũng được rao bán công khai. Với loại bình nén hơi cỡ lớn này bơm một lần có thể bắn vài chục phát, với sức mạnh đường đi của đạn có thể bắn xuyên sắt.
Một shop bán thiết bị súng đồ chơi khác là Tomstore16, khi khách hàng hỏi “cây súng đó bằng mủ (nhựa-PV) hay bằng kim loại”, thì shop trả lời là “làm bằng kim loại bạn nhé”.
Với thực trạng rao bán lập lờ thiết bị súng đồ chơi trên Lazada như trên, một số ý kiến khác cho rằng, súng dù bắn bằng đạn gì, đạn nhựa, hay đạn sắt thì cũng cần được kiểm soát, vì nguy cơ gây nguy hiểm cho con người có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Với việc buông lỏng quản lý các shop bán thiết bị súng dưới dạng đồ chơi trên các trang thương mại điện tử thì ranh giới giữa buôn bán súng đồ chơi và súng thật rất mong manh. Đây chính là vấn đề lớn cần phải được các cơ quan chức năng quan tâm.
Thiết bị súng bằng kim loại được rao bán công khai. |
Bộ bơm khí dùng làm lực đẩy súng hơi. |
Một loại thiết bị súng. |
Thiết bị cò súng. |