Lãnh đạo dự khai giảng: Đừng như chuồn chuồn đạp nước
Bao mong ngóng về một buổi trò chuyện thân tình hay đôi lời thăm hỏi động viên thầy trò đã không thành sự thật. Lãnh đạo đã ra về. Tôi vẫn ở lại cùng các con đến hết buổi khai giảng, nhìn mưa rơi mà lòng nặng trĩu.
Đọc câu chuyện của thầy giáo Nguyễn Duy Xuân tôi không khỏi ngậm ngùi và đồng cảm với thầy. Ngày vui khai trường mà lại kể ra một câu chuyện buồn thật không hay, nhưng có lẽ công cuộc đổi mới của ngành giáo dục nên bắt đầu chỉ từ những việc nho nhỏ như thế này thôi đã.
Năm rồi, trường con tôi học có vinh dự được đón một lãnh đạo lớn của địa phương đến dự lễ khai giảng.
Trước ngày đón, cô trò tập dượt không biết bao nhiêu lần từ các tiết mục múa hát đến việc mời trò nào-cô nào lên phát biểu, nói gì cho mọi người cùng vui,…diễn đến mức trôi chảy kịch bản đã dựng.
Sáng sớm hôm khai giảng, học sinh dậy từ 5h30 để đến trường diễn lại lần cuối các tiết mục. Hiệu trưởng cùng các thầy cô có lẽ phải đến sớm hơn trước nữa.
Mọi thứ vẫn suôn sẻ cho đến khi trời mưa. Mưa như trút nước, sân trường bỗng chốc trắng xóa, nhiều chỗ lún trên sân thành hố nước bì bõm.
Kịch bản đổ bể. Nhà trường tức tốc thuê người đến căng bặt che chắn cho sân khấu, khu vực ghế ngồi cho các đại biểu và ít còn lại cho học sinh ngồi.
Mưa vẫn xối xả. Cả trường vẫn nháo nhác. Âu lo hiện rõ trên gương mặt các phụ huynh, giáo viên và một vài quan chức cấp xã đã đến trước.
Phía bên ngoài cổng trường, hai hàng học sinh đứng cầm ô đội mưa vẫn nghiêm túc chấp hành “lệnh” của giáo viên đợi các lãnh đạo đến. Cái ô nhỏ chẳng đủ che được cơn mưa lớn. Nhiều cháu quần áo ướt sũng, giầy vải nước thấm vào cả tất.
Khoảng 20 phút sau xe của một số lãnh đạo đã đến. Trong phòng trang điểm của các giáo viên một số cô mặc áo dài cầm ô vội vã chạy ra đón. Bộ trang phục áo dài ngày nào khiến các cô thướt tha nay lại làm tội tình người mặc vì áo dài chạm đất, nước mưa làm chúng ướt hết cả.
Gần 8h mà vị lãnh đạo-người-được-mong-đợi vẫn chưa đến, các tiết mục văn nghệ đã bắt đầu. Học trò được chuyển bớt lên các khu vực hành lang lớp học. Phía dưới sân mọi thứ vẫn nhốn nháo. Trên sân khấu người hát cứ hát, dưới sân vẫn nghe rõ tiếng chỉ đạo chỉnh đốn hàng ngũ bằng micro của giáo viên. Hàng ghế dài của đại biểu vẫn chưa thấy có ai ngồi.
Còn chúng tôi, những phụ huynh được mời đến chỉ biết nhìn các con mà lắc đầu ngao ngán. Giá mà mọi người nghĩ đến học sinh một chút nhỉ?
Khoảng 15 phút sau thì vị lãnh đạo đã đến trong tiếng vỗ tay rào rào của thầy trò và các đại biểu. Ông được mấy giáo viên của trường cầm ô che đi đến chỗ ngồi.
Một hai tiết mục văn nghệ đã hết. Dưới sân học trò quần sắn ống đứng hát quốc ca chào cờ.
Kế đến là phần như thắp hương ở đài tưởng niệm nhà trường và làm động tác trồng cây lưu niệm ở ngoài sân trường dù mưa vẫn nặng hạt.
Tiếp đó hiệu trưởng lên đọc báo cáo thành tích năm trước, nêu hướng phấn đấu năm sau và mời người-được-mong-đợi lên đánh trống khai trường và có đôi lời nhắn nhủ.
Mọi người chăm chú lắng nghe. Nhưng cũng chẳng có gì khác ngoài dăm ba câu chúc mừng thành tích của nhà trường và học sinh, hi vọng năm nay trường sẽ có nhiều thành tích hơn nữa. Nói xong, vị lãnh đạo xin phép ra về vì có việc bận nữa. Mọi việc diễn ra chóng vánh.
Bao mong ngóng về một buổi trò chuyện thân tình hay đôi lời thăm hỏi động viên thầy trò đã không thành sự thật.
Lãnh đạo đã ra về. Tôi vẫn ở lại cùng các con đến hết buổi khai giảng, nhìn mưa rơi mà lòng nặng trĩu.
Phụ huynh Nguyễn Khánh Hoàng/Nguồn VNN