Lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình
“Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình. Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá. Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả. Nơi bão tố dồn dập, chăng lưới, bủa vây”, lời bài hát Tổ quốc gọi tên mình trong phần kết của chương trình khát vọng trẻ 8, như lời hiệu triệu những người con nước Việt.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự chương trình |
Chương trình Khát vọng trẻ 8 đã diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô Hà Nội tối 28.12, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 và VTC9 - Let’s Việt.
Bao trái tim hòa cùng nhịp đập
|
Khi lời bài hát Tổ quốc gọi tên mình vang lên, biết bao trái tim cùng nhịp đập: “Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi. Mấy ngàn năm chưa bao giờ nghỉ ngơi. Ngọn đuốc hòa bình, bao người đã ngã. Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông”. Cứ thế, dưới hàng ghế khán giả, người ta nghe thấy những tiếng hát hòa theo: “Tổ quốc linh thiêng, Tổ quốc linh thiêng. Ngọn đuốc hòa bình trên tay rực lửa. Biết bao triệu mỗi người thao thức tiếng VN. Biết bao triệu người lấy thân mình che chở...”.
Nhiều gương mặt ca sĩ quen và mới trong Khát vọng trẻ lần thứ 8. Đó là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Đan Trường, Thủy Tiên, Lệ Quyên, Phương Vy, Uyên Linh, Kimmese, Quý Bình, Phạm Thu Hà, Nhật Thủy… có người xuất hiện lần đầu, có người đã gắn bó với chương trình suốt nhiều năm. Và tất cả vẫn giữ nguyên cảm giác háo hức khi tham gia Khát vọng trẻ. Họ - những nghệ sĩ vốn gắn mình qua những dòng nhạc khác nhau như pop, hip hop, jazz, tiền chiến, trữ tình… nhưng khi đứng trên sân khấu Khát vọng trẻ, họ đã hát với tâm thế truyền cảm hứng cho người trẻ. “Nghệ sĩ có thể tham gia những chương trình phục vụ giải trí, kinh doanh nhưng luôn tự hào khi được biểu diễn trong những chương trình truyền đạt tới mọi người tình yêu quê hương, đất nước bằng những hành động cụ thể. Hát trong chương trình như Khát vọng trẻ là nhiệm vụ của tôi cũng như của bất cứ nghệ sĩ nào”, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho biết.
Có những niềm hạnh phúc, cuộc sống riêng đã được đặt lại phía sau. Chỉ sau ngày cưới đúng một ngày, ca sĩ Thủy Tiên từ quê nhà Kiên Giang đáp chuyến bay ra Hà Nội để kịp tham dự chương trình. Không chỉ các nghệ sĩ đứng trên sân khấu, những người đứng lặng lẽ phía sau, làm việc trong hậu trường, từ ê kíp đạo diễn, biên đạo múa, thiết kế sân khấu, phục trang, nhóm múa, dàn bè… luôn giữ vững tinh thần “nỗ lực hết mình”. Hàng trăm con người đã âm thầm chuẩn bị, luyện tập trong suốt hàng tháng qua. “Tất cả mọi người đều hiểu phải tập trung nghiêm túc cho một chương trình lớn như vậy”, Nguyễn Minh Hiển, sinh viên năm thứ 4 Khoa Sư phạm âm nhạc, Trường đại học Sư phạm nghệ thuật T.Ư, nói. Cậu sinh viên ý thức được trách nhiệm của mình với vị trí của một thành viên trong dàn bè của chương trình.
Tiết mục trình diễn thời trang áo dài |
Lịch sử được tiếp nối
Trên cây cầu nối liền đất nước mẹ chờ con trở về trong khắc khoải, đêm trăng mẹ chèo thuyền đưa con qua sông, mẹ chở che đàn con nhỏ, mẹ ngồi khâu áo giật mình thấy bước con về… Những hình ảnh mang nặng sức ám ảnh, khiến đâu đó có những đôi mắt rưng rưng. Đạo diễn Trần Vi Mỹ đã thực hiện được những điều anh trăn trở từ cách đây hai năm. Hình ảnh mẹ và những đứa con làm không gian âm nhạc Khát vọng trẻ như những nốt trầm sâu lắng và ngân rung. Một lời khen cho đạo diễn Trần Vi Mỹ khi anh đã bước qua những áp lực vô hình thường gắn với một chương trình mang tính chất chính trị một cách dễ dàng. Vị nhạc trưởng ấy đã khiến nghệ thuật, âm nhạc, những tâm hồn thực sự thăng hoa.
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sáng tác ca khúc Việt Nam quê hương tôi vào năm 1968, khoảng thời gian bom đạn ác liệt nhất trong chiến tranh chống Mỹ. Nhiều người đã đặt câu hỏi vì sao ra đời trong lúc đất nước đang dội vang những âm thanh của chiến tranh, thì bài hát lại được cất lên với những lời ca nhẹ nhàng và bình yên đến thế. Câu trả lời duy nhất, đó chính là khát vọng hòa bình. Ca sĩ Hà Anh Tuấn hát lại ca khúc trên nền nhạc mới mẻ, truyền cảm hứng cho những người trẻ xây dựng đất nước VN hiện đại.