Làm tranh giấy đẹp độc đáo từ những tàu lá dừa
Từ những cành dừa bỏ đi, anh Lê Thanh Hà (Đà Nẵng) đã biến thành những bức tranh giấy dừa độc đáo, thú vị.
Chủ xưởng tranh giấy dừa ở đường Nguyễn Đăng Tuyển (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), anh Lê Thanh Hà (sinh năm 1978, quê Nghệ An, tốt nghiệp trường ĐH Mỹ thuật Huế) chia sẻ, khi nhìn thấy những cành dừa dọc bãi biển Đà Nẵng được người ta cắt tỉa và biến thành rác thải, anh thấy tiếc lắm. Cách đây chừng 6 năm, trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu, anh phát hiện ra rằng tất cả các loại cây để làm giấy trên thế giới đều bắt nguồn từ xơ sợi dài như cây dâu tằm, cây giang… Cây dừa cạn cũng có đặc điểm tương tự và anh bắt tay vào thử nghiệm.
Anh Lê Thanh Hà - người đã biến cành dừa cạn bỏ đi ở bãi biển Đà Nẵng thành tranh giấy độc đáo. |
Để làm tranh giấy từ cành dừa, bẹ dừa được anh Hà mang cắt thành từng khúc ngắn, gọt hết phần vỏ xanh bên ngoài để lấy lõi bên trong rồi nấu với vôi trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Tiếp đến là cho lõi dừa đã nấu vào máy nghiền nhuyễn thành bột rồi đem ngâm ủ với nước trong 17 ngày để tẩy trắng bột giấy dừa.
Công đoạn tiếp theo, anh cho bột giấy dừa cho lên khuôn, dùng vòi nước xịt để bột giấy trải đều và đem phơi dưới nắng cho đến khi khô lại.
Đặc biệt các công đoạn làm tranh đều được làm thủ công và không sử dụng bất cứ một loại hoá chất nào.
Bẹ dừa gọt hết phần vỏ xanh bên ngoài để lấy lõi bên trong. Trải qua quá trình nấu, nghiền, ngâm trở thành bột giấy. |
“Muốn loại bỏ tạp chất, tẩy trắng bột giấy, người ta có thể ngâm với hoá chất chỉ mất một ngày, nhưng ở đây mình không sử dụng hoá chất mà dùng phương pháp ngâm ủ tự nhiên trong 17 ngày. Giấy dừa được tạo ra hoàn toàn bằng nguyên liệu của bẹ dừa cạn, màu giấy trắng ngà tự nhiên”, anh Hà cho hay.
Anh Hà đổ bột giấy lên khung để làm tranh. |
Cách làm tranh giấy dừa này được anh học hỏi từ phương thức đồ giấy truyền thống của người H’Mông kết hợp kỹ thuật in hoa văn bằng áp lực nước của Nhật Bản.
Theo anh Hà, để làm nên một bức tranh giấy dừa cần trải qua rất nhiều công đoạn, mất ít nhất 7 ngày để hoàn thiện, tuỳ theo độ khó của tranh. Trong đó, công đoạn tạo khuôn và in áp lực bằng nước đòi hỏi người thợ phải thực sự khéo léo.
Người thợ sử dụng vòi nước như một chiếc dao khắc tạo hoạ tiết, hoa văn lên bức tranh. |
Trước tiên phải vẽ tay các hoa văn hoạ tiết, sau đó đồ họa trên máy, in ra giấy decal. Người thợ sẽ dùng dao trổ cắt dán các chi tiết trên decal lên khuôn để tạo khuôn in hoàn chỉnh. Tiếp theo, trải bột giấy dừa lên khung, áp khuôn in xuống và điều chỉnh bột dừa bằng áp lực nước. Dưới áp lực nước như một chiếc dao khắc, người thợ tiếp tục tạo hình và các đường nét bức tranh lên giấy dừa.
“Nghệ thuật này giống như điêu khắc bằng nước. Áp lực nước mạnh nhẹ khác nhau sẽ điều chỉnh xơ dừa khác nhau, tạo thành độ dày mỏng khác nhau. Người thợ dùng vòi nước để căn chỉnh đậm nhẹ trên chất liệu giấy dừa. Sau khi hoàn chỉnh các hoạ tiết, tranh được đem phơi dưới nắng cho đến khi khô lại”, anh Hà cho hay.
Các bức tranh giấy dừa trong xưởng của anh Hà chủ yếu là hình ảnh về Đức Phật, hoa sen, phong cảnh, thiên nhiên…. Hiện tại anh Hà đang làm thêm các ứng dụng tranh trong trang trí nội thất.
Tranh giấy có đặc điểm xuyên sáng rất tốt, nếu chiếu sáng dưới ánh mặt trời hoặc ánh đèn sẽ tạo nên một bức tranh nghệ thuật sống động được nhiều người ưa thích. Không chỉ bán trong nước, tranh giấy dừa của anh Hà đã xuất đi nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Đức, Hàn Quốc…
Tranh làm hoàn toàn thủ công của anh Hà khiến vị khách nước ngoài này rất tò mò. |
Tuy cùng một khuôn in nhưng tuỳ sự khéo léo và cách cảm thụ khác nhau sẽ tạo cho bức tranh nét đẹp khác biệt. |
Tranh sau khi hoàn thiện được đem phơi khô dưới ánh nắng. |
Các bức tranh của anh Hà thường mang chủ đề về đức Phật, thiên nhiên hoặc chân dung nghệ sĩ, vĩ nhân... |
Một bức tranh thường mất ít nhất 7 ngày để hoàn thiện. |
Hiện nay anh Hà đang làm thêm các ứng dụng tranh trong trang trí nội thất. |
Nhờ cách làm tranh độc đáo này, anh Hà đã tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có của tự nhiên, vừa hạn chế rác thải ra môi trường, lại vừa có thể giúp người dân địa phương có thêm thu nhập.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, anh Hà cho biết, anh rất mong muốn tranh giấy dừa sẽ trở thành một nghề truyền thống, nhân rộng nghề này và phát triển nó một cách bền vững. Anh luôn sẵn sàng truyền nghề cho những ai có mong muốn, đam mê với nghề làm tranh giấy dừa này.
Diệu Thuỳ
Thầy cô gom tiền mở 'bếp 0 đồng', kiêm luôn đầu bếp, shipper
Suốt 3 năm qua, cứ mỗi tháng 1 lần, bếp ăn 0 đồng của tập thể thầy cô giáo trường Tiểu học Tây Hồ (quận Hải Châu, Đà Nẵng) lại đỏ lửa để chia sẻ yêu thương với những người khó khăn.