Làm sao tôi có thể yêu thương người cha tệ bạc, ngoại tình
Bỏ mặc vợ con vất vả, bố tôi suốt ngày đi chơi, cung phụng tiền bạc cho nhân tình. (Ảnh minh họa) |
Tôi vừa đọc được bài Bỏ mặc con, đàn ông đầu tư cho tình nhân rồi về già ai chăm? trên Báo Phụ Nữ Online, tôi muốn trả lời ngay câu hỏi trên: Người cha sẽ phải sống cô độc trong sự ghẻ lạnh của con cái đến hết đời!
Khi có nhận thức cũng là lúc tôi nhận ra mẹ tôi và cả nhà tôi quá khổ sở vì bố tôi bỏ bê gia đình, trong khi ra sức cung phụng người tình.
Gia đình tôi rất khó khăn, năm 1980 từ tỉnh Thái Bình cả nhà đi kinh tế mới ở Đắc Lắc. Nhà tôi vừa chăn nuôi heo, vừa bán cơm và làm nghề rửa xe, châm nước xe khách liên tỉnh. Công việc rất nặng nhọc, nhưng tất cả chỉ do mẹ tôi - người đàn bà ốm quắt queo, chỉ 38kg và chị gái tôi lo liệu.
Đến năm tôi 10 tuổi, tức năm 1988, tôi cũng trở thành lao động chính. Hai đứa em 8 tuổi, 6 tuổi cũng phải phụ với cả nhà. Chỉ có bố tôi là sức dài vai rộng, nhưng không hề động tay chân.
Mẹ con tôi làm bất kể ngày đêm. Khi xe khách vừa đỗ là mẹ tôi lao vào bếp nấu nướng. Ba chị em tôi người cầm vòi xịt rửa xe, người lau xà bông, người cọ sạch bụi (bé út thì phụ mẹ dọn bàn ăn cho khách). Những khi ấy, hoặc bố tôi đang ở bên người tình, hoặc ngồi rung đùi rít thuốc, thu tiền. Thu nhập mỗi ngày, bố tôi chỉ chi một ít để mua nguyên liệu cho bữa bán ngày hôm sau, còn lại ông bỏ túi. Khoản tiền thu hoạch cà phê, tiêu... bố giữ xài riêng, mấy mẹ con không được hưởng một đồng.
Khi còn bé, tuy rất sợ những người đàn ông vì giới tài xế vốn hay chửi tục, ăn nói bỗ bã, nhưng ít ra tôi còn tìm được một nét gì đó dễ thương ở họ như: ghé quán vì thấy tội mấy mẹ con tôi, rửa xe vì muốn chị em tôi có thêm thu nhập... Còn bố tôi, tôi không tìm ra bất cứ điểm nào để yêu thương, hay tôn trọng ông.
Dù không phụ mẹ con tôi, nhưng gặp ai bố cũng khoe bố "vất vả lo cho 4 cái tàu há mồm". Mỗi lần đến đầu năm học, chị em tôi nước mắt ngắn dài chờ bố mua cho cặp sách mới, quần áo mới. Nhưng lần nào, bố cũng "cái cặp này còn tốt chán, mua mới phí: bộ quần áo này tuy cũ, nhưng còn lành lặn, mặc đi".
Tôi cùng hai đứa em hầu như hiếm khi được mặc đồ mới, vì cứ đứa trên mặc chật rồi tới đứa dưới. Quần áo nào bị sờn, rách thì mẹ tôi vá lại. Trong khi bố mua cho nhân tình chiếc xe cúp cánh én và bà ta toàn mặc đồ mới, lúc nào cũng khoe với bạn bè, người quen: "Em không thích mà anh ấy cứ mua đồ mới cho em mãi".
Mẹ tôi tảo tần chăm lo cho đàn con (ảnh minh họa) |
Tôi rất thương mẹ và vô cùng hận bố. Khoảng cách cha con càng tăng lên theo số lượng bồ bịch của ông (bố tôi cặp hết người này đến người khác). Tôi tự nhủ không tha thứ cho bố khi chứng kiến bố dằn vặt, đánh mẹ khi mẹ yêu cầu bố đưa tiền để mẹ sắm sửa đồ mới, mua xe đạp cho chị em tôi.
Thuở bé, tôi chỉ có hai điều ước: Một là có một người cha khác. Hai là tôi đi làm có nhiều tiền và tôi sẽ đón mẹ đi, thoát khỏi người chồng chỉ xem mẹ như một con ở, không tiếng nói, không chút tôn trọng.
Tôi vào học đại học ở TPHCM, ra trường có việc làm ổn định nên may mắn mua được căn nhà trả góp. Tôi đón mẹ sống cùng, nhưng mẹ không quen cuộc sống phố thị, mẹ về quê, ngày ngày lên chùa làm công quả. Việc này đã mang đến cho mẹ rất nhiều niềm vui.
Sau rất nhiều năm, tôi mới thấy mẹ cười nhiều và có giấc ngủ ngon. Nhưng điều khiến chị em tôi vui nhất là mẹ đã không còn lệ thuộc tinh thần vào bố tôi, bà đã dám phản ứng, tỏ thái độ khi vô cớ bị bố mắng chửi.
Năm 2020 bố tôi bị đột quỵ. Tôi nhận tin từ mẹ, cũng hơi choáng váng, nhưng thực sự tôi không thấy mình cuống lên, cảm giác lo sợ muốn vỡ tim như khi hay tin mẹ mệt, mẹ ngất. Tôi cũng chạy vào Bệnh viện Chợ Rẫy khi bố được chuyển viện xuống. Nhìn bố nằm im lìm, mất ý thức trên chiếc băng ca, tôi cũng thấy tội nghiệp ông, nhưng cảm giác chỉ dừng lại ở đó.
Tôi vẫn chu toàn đóng viện phí, chăm sóc bố với trách nhiệm của một đứa con, nhưng thật sự tôi không hề có cảm xúc yêu thương. Tôi chỉ làm vì trách nhiệm, bởi tôi được mẹ giáo dục tử tế. Có lẽ do tình thương yêu của tôi với bố đã bị lấy cắp hết sạch từ xưa. Dù rất cố gắng, nhưng hơn 30 năm, tôi không thể quên cảnh bố chở nhân tình đi chơi, còn mẹ con tôi tất tả với bầy heo, rửa xe, phục vụ khách.
Nhìn bố trong phòng bệnh, miệng ú ớ, nước bọt trào ra, cơm ăn rơi vãi do di chứng của cơn đột quỵ, lẽ ra tôi phải xót xa, đau lòng, nhưng khi ấy những hình ảnh bố ngồi trong hàng quán sang nhất huyện, ăn sáng và cười hỉ hả với nhân tình lại như cuốn phim chiếu rất rõ trong đầu tôi.
Tôi lau miệng, đút bố ăn cũng giống những lần tôi đi làm từ thiện. Mà thật ra, khi tôi đi làm từ thiện, lòng tôi có đầy sự thương cảm, trắc ẩn, chứ không phải là sự lạnh lùng, đơn thuần là trách nhiệm như với bố.
Về già, bố sống trong cô độc, bệnh tật, ông hiểu đó là cái giá ông phải trả cho những năm tháng ngoại tình, bỏ mặc vợ con (ảnh minh họa) |
Bố xuất viện với di chứng liệt phần thân bên phải, mọi sinh hoạt phải có người lo. Mẹ tôi vẫn là người chăm sóc bố. Nhưng có lẽ cũng như chị em tôi, tình cảm mẹ dành cho bố đã chết từ lâu, mẹ chăm bố chỉ vì trách nhiệm và quan hệ giữa người với người.
Không muốn những năm tháng tuổi xế chiều mẹ phải vất vả chăm lo cho người đàn ông phụ bạc mẹ mấy chục năm qua, chị em tôi mướn người giúp việc trông bố. Thuốc men, thức ăn, quần áo của bố, chúng tôi lo tươm tất. Nhưng còn tình yêu với bố, không thể có sau khi ông để lại vết thương lòng quá lớn cho mẹ và chị em tôi.
Có lẽ, bố tôi cũng hiểu ra vấn đề. Ông thể hiện sự buồn bã trên gương mặt, nhưng hơn ai hết ông ý thức được đó là cái giá ông phải trả cho những năm tháng ngoại tình, bỏ bê vợ con.
Theo phunuonline.com.vn