Làm gì khi con gái nổi loạn tuổi dậy thì?
Cả nhà nhào nhào khi 7h tối vẫn chưa thấy con về, điện thoại khắp nơi nhưng đều bặt vô âm tín, chỉ đến khi gọi điện cho cô giáo mới lờ mờ đoán ra lý do. Có lẽ cô bé bị cô giáo yêu cầu lên phòng BGH bắt viết bản kiểm điểm nên tỏ ra bất mãn nên đã không muốn về nhà.
Hãy dành nhiều thời gian bên con hơn khi đến tuổi dậy thì |
Nói về quãng thời gian “kinh hoàng” không chỉ với Minh mà cả gia đình, chị Thái (mẹ Minh) không khỏi chản nản cho biết: Từ nhỏ cháu là đứa nhút nhát, trầm tính, chỉ có mẹ là người cháu tỏ ra tin tưởng trò chuyện nhất. Cháu không hay cãi người lớn, học hành chỉn chu, không quá xuất sắc nhưng cũng đứng trong top đầu của lớp.
Lên lớp 7, càng ngày con càng tỏ ra xa cách với mẹ. Nếu không hỏi thì cả ngày con không nói gì, nếu có hỏi thì cũng chỉ trả lời qua quýt, nhát gừng cho xong chuyện. “Giữa năm lớp 7, vô tình tôi phát hiện ra trong cặp con có thư tình cảm của một bạn trai. Tôi tra hỏi thì ngay lập tức nhận được phản ứng tiêu cực của con. Nó khùng lên và kết tội tôi xâm phạm đến “đời tư”, lục lọi sách vở của nó mà không xin ý kiến… Cáu quá, tôi thẳng tay tát, thì ngay lập tức nó xé toang lá thư đó trước mặt tôi và hỏi “mẹ thỏa mãn chưa” rồi lẳng lẳng đi vào toilet” – chị Thái kể lại.
Từ đó nó thực sự xa cách tôi, dù tìm mọi cách cố gắng từ tỉ tê đến nhẹ nhàng khuyên bảo, thậm chí nói với bố làm thiên chức thay mẹ nhưng nó càng ngày càng tỏ ra bất trị. Đỉnh điểm là chuyện dạt nhà khi bị cô giáo nhắc nhở. “Lần đó, cả nhà được phen hú hồn. Sau đó, chúng tôi phải đưa cháu đến BS tâm lý, cả nhà ngồi lại với nhau tìm ra phương pháp hữu hiệu. Ơn trời, đến năm lên lớp 10 cháu nền tính hơn và bắt đầu biết thương bố, thương mẹ hơn” – chị Thái bày tỏ.
TS Vũ Thu Hương – giảng viên trường ĐH Sư phạm cho rằng, khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, cơ thể sản sinh nhiều hóc môn sinh trưởng. Nổi loạn vốn là sự thay đổi một cách tột độ (có trường hợp lên tới 180 độ) trong tính cách, sở thích cá nhân của trẻ.
Ngoài ra, trẻ ở tuổi này cũng thu lượm được một lượng kiến thức nền tảng đủ để đánh giá và có các ý kiến chủ quan. Vì thế, lúc này sự áp đặt của cha mẹ thường nhận được các phản ứng bất ngờ và khó chịu. Các con cũng đã có đủ hiểu biết để đòi hỏi một sự riêng tư cá nhân, nếu cha mẹ quan tâm quá mức thì con có thể sẽ nghĩ là bị cha mẹ kiểm soát, đây chính là lý do khiến trẻ vô cùng bực bội.
Các chuyên gia tâm lý đã chỉ ra rằng, thông thường con gái sẽ bắt đầu tuổi “dở hơi” sớm hơn con trai vì con gái dậy thì sớm hơn. Các con sẽ bắt đầu bùng nổ ở lứa tuổi THCS (từ 11- 15 tuổi). Biểu hiện của con gái thường là âm thầm bực bội, không nghe lời, lẳng lặng làm theo ý của mình, nghe bạn bè hơn nghe bố mẹ và có những hành động “ bất thường”.
Trường hợp con chị Thái là một ví dụ điển hình. Ở tuổi này nhiều trẻ trước đó hoàn toàn bình thường, chăm học, không hay đi chơi nhưng bỗng dưng một hôm lại đi chơi về rất muộn. Chúng đi mà không hề xin phép bố mẹ, về nhà bị bố mẹ trách mắng cũng chẳng hề tỏ ra ăn năn, hối lỗi. Bởi đơn giản chúng cho rằng “đã đủ lớn” nên tỏ ra khó chịu khi bố mẹ cứ “xía mũi vào đời sống riêng tư của con”.
Ở tuổi dậy thì, đây là lứa tuổi đang dần trưởng thành, đang phát triển và hình thành nhận thức, nhân cách. Chính vì vậy những sự việc trải qua có thể vừa ý, có thể không vừa ý, đều ghi dấu một cách rõ rệt trong nhận thức. Có nhiều trường hợp vì bị áp đặt quá nhiều nên trẻ ức chế với gia đình, bè bạn, muốn nổi loạn để chứng tỏ bản thân. Cũng có nhiều trường hợp do bị khích bác bởi bạn bè, do học hỏi và tiếp thu không đúng mực nên phát triển lệch lạc suy nghĩ dẫn đến sự nổi loạn khó hiểu.
Dẫn chứng điều này, TS Hương còn chỉ ra nhiều trường hợp trẻ cố ý làm ngược những mong muốn của bố mẹ, khiến các bậc phụ huynh phát điên khi dường như “con chỉ thích trêu ngươi mình” như tự ý xăm hình, ăn mặc te tua. Nếu bố mẹ nói nặng lời là sẵn sàng “dạt nhà” chỉ đơn giản chứng tỏ với bố mẹ, có thể làm được… mọi chuyện.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, bất cứ trẻ nào cũng trải qua giai đoạn “khủng hoảng” tâm lý như thế, vấn đề ở đây là bố mẹ làm thế nào để giúp trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn này? TS Hương khuyến cáo, cần nhất là bình tĩnh và làm bạn với con. Cố gắng bao dung, tha thứ bỏ qua những điều dở hơi mà con đã làm. Chia sẻ với con, quan tâm và tâm sự với con nhiều hơn. Hãy kể cho con nghe tuổi teen của mình. Và điều quan trọng nhất là thể hiện tình yêu với con. “Tuổi này trẻ thường hay bi kịch hóa cuộc đời của mình, lũ trẻ có thẻ nghĩ chúng không được bố mẹ yêu quý. Vì thế, việc thể hiện tình yêu với con là điều vô cùng quan trọng” – TS Hương nói.