Làm gì để tránh dị tật cho thai nhi?
Dị tật thai nhi là một trong những nỗi lo lớn của phụ nữ mang thai cũng như cả gia đình. Các dị tật bẩm sinh thường gặp ở thai nhi bao gồm các vấn đề về hệ thần kinh, đầu, mặt, vùng bụng và hệ xương, chi. Một số dị tật bẩm sinh thường gặp bao gồm: sứt môi và hở hàm ếch, bệnh tim bẩm sinh, dị tật hệ xương, khuyết tật hậu môn, hội chứng down, dị tật ống thần kinh thai nhi…
Một số nguyên nhân chính dẫn đến dị tật thai nhi:
- Mang thai khi tuổi đã cao: Người mẹ tuổi ngoài 35 và người bố trên 50 tuổi có nguy cao sinh con mắc dị tật bẩm sinh hơn người trẻ tuổi. Vì khi ở độ tuổi cao, trứng và tinh trùng của cha mẹ thường không còn được đảm bảo, trong quá trình phân chia nhiễm sắc thể sẽ dễ xảy ra lỗi dẫn đến bất thường về di truyền.
- Mang thai khi mắc các bệnh truyền nhiễm: Trong các tháng đầu của thai kỳ, mẹ nhiễm các virus như Herpes, Rubella, Cytomegalo… sẽ dễ truyền cho con và làm cho trẻ khả năng cao bị dị tật. Các bệnh như đái tháo đường, Lupus ban đỏ mà mẹ mắc trong thời gian mang thai cũng dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
- Bố mẹ có mắc bệnh di truyền hoặc dòng họ có tiền sử sinh con dị tật: Nếu bố mẹ mắc bệnh di truyền thì khả năng cao sẽ gặp bệnh đó ở thai nhi. Không chỉ vậy, nếu bố mẹ khỏe mạnh nhưng trong gia đình có tiền sử dị tật bẩm sinh thì cũng có khả năng sẽ di truyền cho con.
- Tiếp xúc với chất phóng xạ hay chất độc hại khi mang thai: Khi thai phụ tiếp xúc với các loại thuốc hay hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, chất phóng xạ, chất kích thích, chụp X-quang trong quá trình mang thai… sẽ tăng nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi.
- Khi mang thai sử dụng thuốc không có chỉ định của bác sỹ: Đây là tình trạng rất dễ gặp ở thai phụ. Điều này có thể tác động rất xấu đến sự phát triển của thai nhi. Do đó tuyệt đối không được tự ý uống thuốc trong thai kỳ khi không được chỉ định của bác sĩ.
- Mẹ bầu thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi: Tâm trạng của mẹ cũng có tác động trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi cả về trí tuệ lẫn thể chất. Nếu mẹ bầu thường xuyên lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây ra những dị tật thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch…
Một số biện pháp phòng tránh dị tật ở thai nhi:
- Khám sức khỏe định kỳ trong thời gian mang thai: Việc khám sức khỏe định kỳ được thực hiện tại các bệnh viện đủ tiêu chuẩn, tầm soát các bất thường của thai nhi theo kết quả siêu âm, xét nghiệm ADN không xâm lấn, xét nghiệm sinh hóa huyết thanh và các xét nghiệm khác.
- Làm tốt công tác dự phòng trước sinh và sau sinh: Dự phòng ban đầu: can thiệp toàn diện trong giai đoạn trước và giai đoạn đầu của thai kỳ, bao gồm giáo dục sức khỏe, tư vấn di truyền và chăm sóc sức khỏe trước khi mang thai. Phòng ngừa sau khi mang thai: sàng lọc trong thai kỳ và chẩn đoán trước sinh. Phòng ngừa tiếp theo: tầm soát sớm bệnh tật ở trẻ sơ sinh.
- Các bước phòng ngừa đúng:
Bước 1: Cả vợ và chồng nên khám sức khỏe trước khi mang thai, lên kế hoạch mang thai, điều chỉnh thể trạng, bỏ các thói quen xấu (hút thuốc, uống rượu, thức khuya…), đi ngủ sớm và dậy sớm, ăn uống lành mạnh. Những người cha lớn tuổi (trên 40 tuổi), những cặp vợ chồng từng có tiền sử sẩy thai tự nhiên, tiền sử bệnh lý gia đình hoặc từng mang thai dị dạng phải làm tư vấn di truyền trước.
Bước 2: Lập hồ sơ thai sản càng sớm càng tốt sau khi phát hiện có thai và làm các hạng mục khám thai trước (siêu âm, xét nghiệm ADN không xâm lấn, xét nghiệm sinh hóa huyết thanh…), nếu kết quả kiểm tra bất thường thì nên hỏi ý kiến bác sĩ sản khoa kịp thời, hoặc chuyển lên bệnh viện tuyến trên để kiểm tra thêm. Đối với một số ít dị tật gây tàn tật và tử vong thì nên chấm dứt thai kỳ.
Bước 3: Sàng lọc sơ sinh sớm rất quan trọng. Lấy máu trẻ sơ sinh tại bệnh viện sinh trong vòng 28 ngày sau sinh để kiểm tra các bệnh “tăng sản thượng thận bẩm sinh, suy giáp bẩm sinh và phenylketon niệu” thường gặp.
Hạ Thảo
Cách bổ sung estrogen đúng để không rước họa vào thân
Phụ nữ bổ sung estrogen một cách mù quáng không những không có lợi mà còn gây hại. Hãy tham khảo phương pháp bổ sung đúng dưới đây.