Lãi suất ngân hàng nào đang cao nhất, ngân hàng nào đang thấp nhất?
Theo khảo sát của PV, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang là hai nhà băng có mức lãi suất huy động hấp dẫn nhất đối với người gửi tiền.
Cụ thể, NCB đang áp dụng lãi suất 6%/năm cho kỳ hạn từ 1-6 tháng, kỳ hạn 6 tháng được ngân hàng này áp dụng mức lãi suất 9,5%/năm.
Đáng chú ý, tiền gửi các kỳ hạn trên 6 tháng được NCB trả lãi suất cao hơn mức 9,5% mà Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn từ 7-9 tháng là 9,6%/năm, kỳ hạn 10-12 tháng có mức lãi suất 9,7%/năm. Khách hàng gửi tiền kỳ hạn từ 13 tháng trở lên còn được hưởng lãi suất lên đến 9,9%/năm, đây là mức lãi suất huy động cao nhất thị trường hiện nay.
SCB cũng đang vào cuộc đua huy động vốn bằng lãi suất hấp dẫn khi áp dụng lãi suất tiền gửi tiết kiệm lên đến 9,75%/năm đối với tiết kiệm online và 9,7% đối với tiết kiệm tại quầy.
Theo đó, lãi suất tiết kiệm online kỳ hạn 1-5 tháng tại SCB là 6%/năm, kỳ hạn 6 tháng 9,35%/năm, kỳ hạn 9 tháng là 9,5%/năm, kỳ hạn 12 tháng 9,65% và kỳ hạn 15 tháng lên đến 9,75%/năm.
Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm tại quầy của SCB là 6%/năm cho kỳ hạn 1-5 tháng, 8,8%/năm kỳ hạn 6 tháng, 8,9%/năm kỳ hạn 9 tháng, 9,6%/năm kỳ hạn 12 tháng và 9,70%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng. Ngoài ra, SCB còn tặng thêm 0,8% coupon lãi suất với kỳ hạn từ 6-11 tháng.
Với các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn, lãi suất huy động đã hạ nhiệt. Theo bảng lãi suất mới nhất được Techcombank công bố ngày 8/1, lãi suất tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 1-5 tháng là 6%/năm.
Lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên được nhà băng này ấn định mức cố định 9,3%/năm đối với khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, 9,4%/năm đối với tiền gửi từ 1-3 tỷ đồng, và lãi suất lên đến 9,5%/năm đối với khoản tiền gửi trên 3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, loạt ngân hàng có mức lãi tiết kiệm từ 9%/năm trở lên ở kỳ hạn này có thể kể đến BacABank, KienLongBank, OCB, PVcomBank, ĐongABank, PGBank và Saigonbank.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đang áp dụng hai gói tiết kiệm với hai mức lãi suất khác nhau. Với gói tiết kiệm An Lộc, lãi suất được triển khai từ 5,7% đến 8,3%/năm và có kỳ hạn từ 1 tháng đến tối đa 18 tháng cùng hạn mức quy định dưới 100 triệu đồng, từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng hay từ 500 triệu đồng trở lên.
Gói “Tích Lũy Tương Lai” có thời hạn từ 12-60 tháng cùng hạn mức từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng và từ 500 triệu đồng trở lên, với mức lãi suất được ACB ấn định từ 7,4% đến 8,1%/năm.
Các “ông lớn” thương mại cổ phần như VPBank, Sacombank, TPBank,... đều áp mức lãi suất chung cho kỳ hạn từ 1-3 tháng là 6%/năm.
Nhưng các kỳ hạn dài hơn lại có mức chênh lệch đáng kể. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng tại TPBank, Sacombank và VPBank lần lượt là 7,3%, 8,3% và 8,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại VPBank đang cao nhất trong số 3 ngân hàng này, lên đến 9,1%/năm, trong khi tại Sacombank và TPBank lần lượt là 8,9% và 7,7%/năm. Thậm chí, lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng tại VPBank lên đến 9,2%/năm, nhỉnh hơn 0,2% so với Sacombank.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV có mức lãi suất huy động kém hấp dẫn nhất. Kỳ hạn 3-5 tháng được nhóm “big4” áp dụng mức lãi suất chung 5,4%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên cũng có chung mức lãi suất 7,4%/năm.
Các kỳ hạn còn lại có sự chênh lệch không đáng kể. Cụ thể, Vietcombank và VietinBank áp dụng lãi suất huy động kỳ hạn 6-9 tháng là 6%/năm, Agribank công bố lãi suất 6,1%/năm. BIDV công bố lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng là 6%/năm, kỳ hạn 9 tháng là 6,1%/năm.
Tuân Nguyễn