Lãi suất cho vay BĐS gói 120.000 tỷ đồng sẽ được điều chỉnh ra sao?
Theo bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN - thời gian qua, NHNN đã tổ chức nhiều cuộc họp thống nhất với 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank) để xây dựng nội dung chương trình. Đây cũng là 4 ngân hàng được NHNN chọn triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn huy động của các ngân hàng.
Đối tượng vay vốn bao gồm khách hàng là nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội (NOXH), nhà ở cho công nhân, dự án cải tạo chung cư cũ và người mua nhà tại các dự án này.
Bà Hà Thu Giang cho biết, để được vay gói tín dụng này, khách hàng cần đáp ứng các điều kiện trong diện được hưởng các chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân hay chung cư cũ được cải tạo, theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, người vay cũng phải đáp ứng các điều kiện về vay vốn theo quy định hiện hành của các ngân hàng thương mại, tuân thủ các quy định liên quan đến pháp luật về cho vay.
“Về nguyên tắc, mỗi người mua nhà sẽ chỉ được tham gia chương trình này một lần. Chương trình sẽ được triển khai đến khi nào doanh số giải ngân đạt 120 nghìn tỷ đồng nhưng không quá thời hạn 31/12/2030. Lãi suất cho vay sẽ thấp hơn từ 1,5-2% so với lãi suất bình quân trung và dài hạn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước trong từng thời kỳ”, bà Hà Thu Giang nói.
Theo đó, đến 30/6, lãi suất cho vay trong thời gian hỗ trợ dự kiến khoảng 8,7%/năm đối với chủ đầu tư và 8,2%/năm đối với người mua nhà. Định kỳ 6 tháng/lần, NHNN sẽ thông báo lãi suất cho vay trong thời gian hỗ trợ.
Về thời gian áp dụng hỗ trợ lãi suất, với chủ đầu tư áp dụng hỗ trợ lãi suất trong thời hạn 5 năm, với người mua nhà là 5 năm.
Theo ước tính của NHNN, chương trình này góp phần giảm lãi suất cả ở phía cung và cầu với tổng mức giảm từ 3,5-5%. Mức giảm này góp phần làm giảm giá thành NOXH đồng thời tăng khả năng tiếp cận nhà ở của người dân. Đây là một trong những giải pháp gián tiếp góp phần giảm tình trạng mất cân đối cung - cầu về nhà ở.
Liên quan đến tín dụng cho bất động sản, bà Hà Thu Giang cho hay, tính đến hết tháng 2/2023, dư nợ cho vay bất động sản đạt trên 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 2,9% so với năm 2022.
Đối với những khó khăn của thị trường bất động sản, quý I vừa qua, Chính phủ, NHNN và Bộ Xây dựng đã tổ chức nhiều hội nghị nhằm lắng nghe những kiến nghị của các bên liên quan.
Qua đó, những khó khăn của thị trường bất động sản đã được nhận diện. Trong đó, có những khó khăn về cân đối cung - cầu, khó khăn về vấn đề pháp lý, giá cả,… Để giải quyết được những khó khăn này, cần sự phối hợp từ các bộ, ngành, địa phương để có các giải pháp cụ thể, từ đó thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững.
Tuân Nguyễn