Kỹ thuật nút mạch chấm dứt ho ra máu do giãn động mạch phế quản
Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã thực hiện kỹ thuật nút mạch phế quản cầm máu thành công cho người bệnh bị ho ra máu do lao phổi.
Bệnh nhân nam Nguyễn M H (40 tuổi, trú tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) có tiền sử lao phổi cách đây 10 năm đã điều trị đủ phác đồ. Bệnh nhân thường ho ra máu rải rác nhiều lần trong năm. Bệnh nhân chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy với tình trạng ho ra máu khoảng 200-300ml, đau ngực, khó thở, mạch nhanh, da niêm mạc nhợt. Hình ảnh chụp CT ngực cho thấy giãn động mạch phế quản trái, giãn phế quản thùy trên phổi trái. Qua thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, các bác sĩ đã hội chẩn và kết luận ho ra máu do giãn động mạch phế quản trái/ giãn phế quản trên nền lao phổi cũ.
Bệnh nhân được chỉ định can thiệp nút mạch xử trí tình trạng ho ra máu dưới hướng dẫn của hệ thống số hóa xóa nền DSA. Đây là kỹ thuật cao, ít xâm lấn giúp người bệnh thoát nguy kịch, phục hồi nhanh chóng.
Các bác sĩ can thiệp nút mạch cho bệnh nhân. |
Đánh giá về ca can thiệp, bác sĩ Lê Tiến Hưng (Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Bãi Cháy) cho biết: “Đây là ca tổn thương mạch máu rất phức tạp, có nhiều mạch máu ở các vị trí khác nhau cấp máu cho phế quản bị tổn thương (bao gồm động mạch phế quản trái, nhánh động mạch thuộc động mạch vú trong bên trái, nhánh động mạch thuộc thân giáp cổ bên trái, nhánh động mạch thuộc động mạch dưới vai trái). Chúng tôi đã xử trí nút mạch thành công các nhánh mạch tổn thương, kiểm soát được tình trạng ho ra máu cho người bệnh. Với kỹ thuật này, bệnh nhân chỉ cần gây tê tại chỗ, vẫn tỉnh táo trong quá trình can thiệp, phục hồi sức khỏe nhanh chóng chỉ sau 24 giờ theo dõi”.
Ngay sau can thiệp, bệnh nhân được chuyển điều trị nội khoa tại Khoa Nội hô hấp để ngăn chặn và dự phòng tái phát ho ra máu. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định và được xuất viện.
Nút mạch cầm máu cấp cứu là phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu an toàn, hiệu quả, tiên tiến, được ứng dụng phổ biến trên thế giới và các bệnh viện tuyến trung ương, đòi hỏi bác sĩ điện quang can thiệp phải có kỹ năng chuyên sâu, bài bản và thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ để giúp bệnh nhân tránh được các cuộc đại phẫu với nguy cơ tử vong cao do mất máu, thời gian điều trị dài ngày và chi phí lớn.
Trước đó, Bệnh viện Bãi Cháy đã nút mạch cấp cứu thành công nhiều ca bệnh “nguy kịch” do chấn thương như vỡ gan, vỡ lách, vỡ thận… giúp bệnh nhân không phải trải qua đại phẫu nguy hiểm, nâng cao tỉ lệ cứu sống người bệnh.
Khánh Chi