Kỳ thi THPT quốc gia 2015: Hàng loạt băn khoăn chưa có lời giải đáp
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2014 tại TPHCM |
Lo lắng về cụm thi
TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban ĐH - Sau ĐH (ĐH Quốc gia TPHCM) đặt vấn đề: Việc phân loại và bố trí thí sinh ở các điểm thi là do ĐH Quốc gia TPHCM thực hiện hay do Sở GDĐT bố trí? Các trường có được điều chỉnh, thêm thông tin vào giấy đăng ký xét tuyển hay không? Và việc xử lý thông tin đăng ký của thí sinh ở ngày làm thủ tục dự thi do các cụm thi điều chỉnh hay phải do Sở GDĐT điều chỉnh?
Đại diện Sở GDĐT Nghệ An đã nêu ra con số 11.000 thí sinh chỉ dự thi với mục đích tốt nghiệp THPT (chiếm khoảng 1/3 tổng số thí sinh). Theo đó, Sở GDĐT phải tổ chức 1 cụm thi bao gồm 11-12 huyện trong tỉnh, và câu hỏi được đặt ra là: sẽ đánh số báo danh như thế nào trong 1 hội đồng thi, khi mà ở các huyện từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh đều có thí sinh tên từ vần A đến V theo bảng chữ cái?
Theo đại diện Sở GDĐT tỉnh Đồng Tháp, trong các cụm thi do trường ĐH chủ trì có đại diện các sở, các trường THPT và trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, tại cụm thi do địa phương chủ trì lại không nói rõ các thành phần tham gia.
Có đủ thời gian cho chấm thi hay không?
Ông Phạm Văn Hùng, Đại học Thái Nguyên, băn khoăn về thời gian tổ chức thi và chấm thi. Theo ông Hùng, kỳ thi diễn ra từ ngày 1- 4/7 và kết quả gửi về Bộ trước ngày 20/7, tức là chỉ có 16 ngày để nộp điểm thi. Giả sử, có các điểm thi lớn với 50.000 thí sinh thi thì khả năng không thể chấm thi kịp. Việc kết thúc tuyển sinh vào cuối tháng 12 sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lịch học của các trường.
Sở GDĐT Đồng Tháp đặt vấn đề về điểm bảo lưu cũng cần tính kỹ hơn vì thực tế cho thấy có rất nhiều trường hợp gian lận đối với việc bảo lưu điểm.
TS Nguyễn Quốc Chính cũng cho rằng Bộ GDĐT nên xem xét lại về quy định chấm phúc khảo, vì theo quy định hiện nay nếu số lượng bài thi chấm phúc khảo nhiều thì không làm xuể.
Ngoài ra, năm nay có áp dụng việc đăng ký dự thi trực tuyến. Quy định này cũng khiến nhiều trường băn khoăn: Nếu hàng trăm ngàn thí sinh truy cập cùng một lúc, liệu phần mềm có bị nghẽn hay không? Đặc biệt, ở các vùng sâu, vùng xa, nhà mạng phải có phương án dự phòng khi có sự cố về mạng…
Trước hàng loạt ý kiến của các trường, các sở GDĐT, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng cho biết sẽ tiếp thu và trình Bộ trưởng Bộ GDĐT để xem xét, điều chỉnh.