Kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2022 có nhiều “điểm sáng”
Ngày 27/12/2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã chủ trì cuộc họp Tổ Công tác liên Bộ về tình hình kinh tế vĩ mô với sự tham gia của các thành viên Tổ công tác gồm đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…
Nội dung chính của cuộc họp là thảo luận về tình hình kinh tế vĩ mô quý IV/2022, cả năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong điều hành kinh tế vĩ mô thời gian tới.
Điểm lại một số vấn đề kinh tế vĩ mô nổi bật trong năm 2022, ông Nguyễn Thế Ngân, Vụ trưởng Vụ Tài chính, tiền tệ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Nền kinh tế duy trì đà phục hồi và đạt tốc độ tăng trưởng GDP khá cao: GDP quý I tăng 5,03%, quý II tăng 7,72%, quý III tăng 13,67%; 9 tháng tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2021 - 2022. Ước tăng quý IV tiếp tục tăng cao và cả nước tăng khoảng 8%.
Giá cả lạm phát, nhất là giá xăng dầu chịu sức ép lớn từ biến động thị trường thế giới, nhưng vẫn được kiểm soát theo mục tiêu đề ra. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, các khoản chi được bảo đảm. Lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng chịu nhiều áp lực, rủi ro nhưng vẫn bảo đảm điều hành kịp thời, an toàn. Xuất nhập khẩu hàng hóa đạt nhiều kết quả tích cực.
“Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại do phải chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, cộng thêm nhiều biến động nhanh, mạnh, phức tạp, khó lường, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về nền kinh tế Việt Nam; hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng lên”, ông Ngân phấn khởi chia sẻ.
Sau báo cáo đề dẫn của dại diện Vụ trưởng Vụ Tài chính, tiền tệ, các thành viên của Tổ Công tác liên Bộ đã tích cực cập nhật, trao đổi thêm thông tin liên quan tới tình hình kinh tế vĩ mô tại Việt Nam thời gian qua.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước đã cập nhật thông tin, số liệu về tỷ giá, lãi suất, tín dụng, nợ xấu, thanh khoản của các tổ chức tín dụng, dự trữ ngoại hối, cán cân thanh toán quốc tế…
Đại diện Bộ Tài chính cập nhật số ước tính thu chi ngân sách cả nước cả năm 2022 và triển vọng năm 2023, các kiến nghị liên qua đến chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, tiền thu đất năm 2023; Bổ sung, phân tích thêm về quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tính thanh khoản của các doanh nghiệp phát hành, và bảo đảm tài sản, quyền lợi của nhà đầu tư; các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ Công Thương bổ sung ước số liệu thực hiện xuất nhập khẩu cả năm 2022, tình hình thị trường trong nước, vấn đề đơn hàng, triển vọng xuất khẩu thời gian tới.
Đại diện Tổng cục Thống kê và Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật thông tin về kết quả tăng trưởng, hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình lạm phát, giá nguyên nhiên vật liệu, tình hình lao động việc làm năm 2022 và triển vọng năm 2023 của cả nền kinh tế; tình hình thu hút, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài năm 2022 và triển vọng năm 2023…
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định: Những con số ước tính, chỉ số tăng trưởng, chỉ số lạm phát, đầu tư nước ngoài, thị trường trong nước, xuất nhập khẩu đã phản ánh đúng tình hình kinh tế - xã hội nói chung.
“Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động nhưng chúng ta đã đạt được kết quả tích cực như kiềm chế lạm phát, điều hành lãi suất; chính sách tài khóa, cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng cũng lưu ý dự báo một số vấn đề lớn phải xử lý trong năm 2023 như những khó khăn trong chính sách tiền tệ; việc khai thác các hiệp định thương mại tự do; tác động của việc mở cửa trở lại của một số đối tác…
Bình Minh